(SGTT) - Một cái núi nhỏ nhỏ nhô lên giữa vùng đất khô cằn ở vùng đất biên giới nhưng lại có sức hút kỳ lạ với chúng tôi, những người đam mê leo núi. Núi Bà Đen cũng là nơi lần đầu cho tôi trải nghiệm leo núi đi rừng và thắp lên sở thích leo núi trong tôi.
- Câu chuyện du lịch: Chàng trai đi khắp nơi trên thế giới cùng nón lá
- Langkawi và Bali theo bước Phuket đón du khách trong nước
Ai ở Tây Ninh cũng ít nhất một lần từng lên núi Bà Đen, thậm chí nhiều khách thập phương từ xa xôi cũng tìm đến đây để cầu xin sự bình an. Từ nhỏ, tôi đã được nghe các anh chị nói “Lên đỉnh núi có trạm ăng-ten đẹp lắm”. Mà lúc ấy, tôi chưa từng thử leo lên đó nên chỉ đứng nhìn núi từ xa.
Mãi tới tận năm 23 tuổi, tôi mới đặt chân lên đỉnh núi và lần đó tôi vẫn nhớ mãi, vì tôi được ngắm toàn cảnh Tây Ninh từ trên cao, cảm nhận cơn gió mát và không khí trong lành, đặc biệt là cảm giác thích thú vì bản thân đã vượt qua những khó khăn khi leo.
Lần thứ 2 đến núi Bà Đen, tôi và những người bạn đã quyết định chinh phục núi trong một ngày. Định là vậy, nhưng khi thấy có khá nhiều nhóm chọn cắm trại qua đêm lại ở đỉnh núi, tôi nhanh chóng hòa nhập cùng mọi người, thuê lều và qua đêm ở đó để đón bình minh thơ mộng trên núi.
Dần dần, tôi bị "nghiện" cái cảm giác gặp gỡ những người bạn mới trên đỉnh núi chỉ đơn giản vì tôi được ngồi nghe những câu chuyện thú vị về núi, về rừng. Tôi nhớ nhất câu nói của những người bạn từ Hà Nội vào khi được rủ leo Bà Đen: "Mình leo Fansipan rồi nên cao 986m thì nhầm nhò gì". Nhưng khi leo mới biết thật sự núi Bà Đen không dễ leo.
Rồi tự lúc nào không biết, sự tò mò của tôi lớn dần hơn và tôi bắt đầu kiếm tìm những cung đường khác ngoài cung đường quen thuộc của núi Bà Đen. Nhìn núi Bà nhỏ vậy thôi nhưng rất nhiều cung đường để lên đỉnh: đường cột, đường chùa, đường Ma Thiên Lãnh, đường núi Heo, đường núi Phụng, đường ống nước, đường colombo,..
Mỗi cung đường có độ khó riêng để thử sức, để tăng độ khó khi lên đỉnh và mỗi đường có niềm vui và cảnh đẹp riêng. Đôi lúc chỉ có những tảng đá bự và gốc cây cằn cỏi. Có khi lại là rừng dây chằng chịt phải len lỏi qua hay một tảng đá dài và dốc.
Những ngày cuối tuần, chúng tôi lê la chinh phục đỉnh núi Bà. Dù phải cắm trại trên một địa hình không mấy bằng phẳng, nằm cứ bị những tảng đá nhỏ chọt vào lưng, thế mà đôi lúc 500 người tập trung trên đó. Chúng tôi chen nhau nằm, có khi nằm cả ra đường mòn, khiến người đi phải luồn vào cỏ cây để đi.
Nhiều bạn chỉ cần cuối tuần rảnh là tranh thủ leo núi Bà, đôi khi làm việc xong, họ mới từ Sài Gòn chạy lên, tới chân núi đã 1:00–2:00 sáng, những họ vẫn quyết định leo, đến khi tới đỉnh đã là 4:00–5:00 giờ sáng.
Lúc đó chỉ cần pha một tách cà phê cùng với một ly mì gói, hít cái không khí lành lạnh, sương ùa qua người và ngồi ngắm nhìn mặt trời từ từ nhô lên, sau đó là tận hưởng những tia nắng ấm, chỉ cần như vậy đã làm hài lòng những người leo núi.
Có nhiều anh chị em cũng như mình lần đầu leo núi Bà đã thấy sự yêu thích và đam mê, đi càng nhiều thấy càng yêu rừng núi. Cuối cùng, họ đã bắt đầu làm tourguide tự do, rồi gặp nhau mở công ty chuyên về du lịch mạo hiểm như Tổ Ong trip, Now trip, Min tour, Vietdynamic...
Có lẽ với sự phát triển hiện tại, mọi người chỉ mất 5-7 phút ngồi cáp treo để lên tới đỉnh núi, nhưng tôi vẫn thích vượt qua giới hạn sức khỏe của bản thân, yêu cái cảm giác nằm trên đá vẫn ngủ ngon, mặc cho mưa hay sương trên núi vẫn ấm do có những người bạn bên cạnh.
Phùng Quang Huy