(SGTTO) - Trải qua nhiều căn bếp, làm việc dưới "sức nóng" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đầu bếp Nguyễn Thị Thu Diễm đúc kết: công việc làm bếp chuyên nghiệp không dành cho những bạn nữ “chân yếu tay mềm”.
Đầu bếp Nguyễn Thị Thu Diễm (28 tuổi, quê ở Lâm Đồng) từng theo học ngành Kinh tế gia đình trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Hiện chị đang là đầu bếp chuyên các món bánh Âu. Mất bốn năm để tốt nghiệp đại học, nhận nhiều lời bàn tán về ngành nghề, song, môi trường đại học đã giúp chị có lối tư duy bao quát hơn trong quá trình xử lý món ăn. Nghề bếp đặt ra cho một đầu bếp nữ như chị những thách thức về sức khỏe, sức bền, tinh thần, tư duy logic và cả tình cảm gia đình. Nhưng trên hết, tình yêu nghề là động lực lớn nhất để chị vượt qua những thách thức này.
“Có người nói, tôi học ngành này chỉ để làm vợ!”
Chị Thu Diễm tự nhận bản thân là người thích “xê dịch”, đi nhiều nơi để khám phá văn hóa, ẩm thực vùng miền, từ những món dân dã, nguyên vị của các bà, các mẹ nấu đến những món sang trọng, cao cấp trong các nhà hàng nổi tiếng. Tình yêu này ngày ngày được chị nuôi dưỡng và lớn dần theo thời gian.
Lúc đó, tôi chỉ nấu ăn để thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực của mình và cho người thân cùng thưởng thức món ăn ngon
Học xong cấp ba, chị rất muốn đi học riêng nghề đầu bếp. Nhưng tại thời điểm đó, việc đậu đại học rất được coi trọng, trở thành niềm tự hào với nhiều bậc phụ huynh. Chị đã thi vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ngành Kinh tế gia đình - có mảng nấu ăn - để làm vui lòng cha mẹ.
Tại đây, chị Diễm chỉ được học phần nhỏ về bếp núc, còn lại, chị phải học tất cả các môn đại cương, môn sư phạm theo yêu cầu của chương trình đại học. Chị học bao gồm cả thiết kế thời trang, thêu, đan móc, pha chế… Tuy nhiên, chị đặc biệt thích nấu các món Âu và món Á.
Đầu bếp Thu Diễm cho biết, ngành Kinh tế gia đình nói chung và nghề bếp nói riêng khi đó vẫn còn lạ lẫm và chưa có dấu ấn. Vì vậy, không ít lần chị phải nghe những lời bình luận, đánh giá không hay về ngành chị theo học. “Có người nói, tôi học ngành này chỉ để làm vợ! Nhưng tôi vẫn bỏ ngoài tai để theo đuổi đam mê của mình, chứng minh rằng nghề bếp vừa có thể làm nhà hàng, vừa có thể đi dạy”, chị kể.
Chị Thu Diễm cho biết, bốn năm học đại học là môi trường để chị học thêm nhiều kỹ năng mềm, kỹ năng sư phạm, hoạt động nhóm và kỹ năng lãnh đạo… cần thiết cho công việc về sau. Việc học đến nơi đến chốn giúp chị có tư duy bao quát hơn khi làm nghề. Chẳng hạn, nếu nhìn qua một chiếc bánh hỏng, chị có thể dễ dàng nhận ra nguyên nhân, chứ không đơn thuần là học thuộc công thức. Cũng từ lợi thế đó mà chị có thể sáng tạo thêm nhiều công thức khác nhau, đạt chất lượng ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên.
Học xong đại học, chị nhận được một cơ hội làm việc cho Vinpearl Phú Quốc Resort and Golf khiến chị đắn đo suy nghĩ vì đồng thời chị cũng nhận được lời mời ở lại khoa làm việc. Cuối cùng, chị đã quyết định nhận cơ hội này để đi tiếp xúc thực tế, trải nghiệm môi trường làm nghề thật nhiều cho công việc giảng dạy. Chị ứng tuyển vào vị trí phụ bếp Âu tại khu nghỉ dưỡng này.
Nói về cơ duyên theo đuổi bếp Âu, chị kể đã từng tiếp xúc khi thực tập tại khu nghỉ dưỡng Pandanus, Mũi Né. Nơi này giúp chị định hình được quy trình vận hành và hệ thống trong bếp. Lúc ấy, chị rất mê mẩn các kiểu trang trí tinh tế, hương vị béo béo của món Âu và lòng ngưỡng mộ người dẫn dắt Trưởng bếp Âu. Chị đã chọn bước đi đầu tiên trong nghề bếp là vị trí phụ bếp Âu để bắt đầu chinh phục từng vị trí cao hơn.
Trở lại Phú Quốc, chị Diễm có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn các nền ẩm thực cũng như đa dạng các loại hình như buffet, alacarte, set menu. Trong hai năm làm việc, chị đã từ nhân viên phụ bếp Âu, lên nhân viên bếp Âu rồi lên đầu bếp cao cấp bếp Âu bằng những nỗ lực và kiến thức của bản thân. Không có con đường thành công nào trải hoa hồng, bên cạnh những thành quả, chị Diễm cũng đã gặp nhiều thử thách khi là đầu bếp nữ.
Cần sức khỏe và nỗ lực nhiều hơn nam giới
Chị Thu Diễm cho biết, khi chọn nghề đầu bếp chuyên nghiệp, nữ giới cần phải rất nỗ lực, chịu khó, mạnh mẽ, quyết đoán. Thậm chí, chị phải cố kiềm nén, vượt qua những nỗi nhớ nhà vì lần đầu xa gia đình để có thể theo nghề.
Môi trường bếp không chỉ có sức nóng từ các bếp, các lò, các máy toả ra mà còn thật sự rất áp lực ở các giờ cao điểm. Có lẽ, nghề bếp không dành cho những bạn nữ “chân yếu tay mềm”. Đôi lúc, tôi thấy mình như… nam giới khi đứng trong bếp!
Chị cho biết, khi nhà hàng đông khách, người làm bếp phải thật bình tĩnh, rèn luyện tinh thần thép để sắp xếp công việc trong đầu một cách hợp lý, đẩy nhanh tiến độ. Thời gian để hoàn thành món khai vị chỉ có 7–10 phút và món chính là 20–30 phút. Áp lực này buộc các nhân viên trong bếp phải hoàn thành đúng quy trình để không làm mất thời gian.
Hơn nữa, nữ giới khi theo nghề bếp cần sức khỏe và sức bền nhiều hơn nam giới. Tết năm 2016, Vinpearl Phú Quốc phục vụ gần 1800 khách mà cả đội hình bếp chỉ có 91 nhân viên. Chị nhớ lại, ba ngày tết chị phải làm việc cật lực liên tục từ 06:00 sáng đến 22:00 đêm. Dù cơ thể mỏi mệt, nhưng vì tình yêu nghề, sự hài lòng của thực khách và mong muốn chinh phục các thử thách mới, chị đã vượt qua, vươn lên vị trí bếp chính ngay sau đó.
Càng yêu nghề, tôi càng có động lực để luôn nỗ lực, học hỏi, đổi mới và phát triển mỗi ngày
Sau khi làm việc tại Phú Quốc hai năm từ 2015 - 2017, chị Thu Diễm chuyển công tác về TPHCM để được cọ xát với các đầu bếp chuyên nghiệp. Tại đây, chị đã thử sức mình ở một mảng hoàn toàn mới đó là bếp bánh. Chị nhận công việc tại tàu Bonsai Cruise ở cảng Sài Gòn, quận 1.
Tại đây, chị xin vào vị trí phụ bếp bánh để học hỏi. Bất ngờ, sau khi đi làm chính thức chỉ…một ngày, chị đã mạnh dạn xin ứng tuyển vào vị trí trưởng bếp bánh vì nhà hàng đang thiếu nhân sự. Sau khi xem xét kinh nghiệm làm việc, bếp trưởng đồng ý cho chị thử sức ở nhiệm vụ mới này. Bước ngoặt này như tiếp thêm sức mạnh để chị chiến thắng bản thân và chứng tỏ năng lực với bếp trưởng và quản lý tàu.
Hai năm dưới cương vị trưởng bếp bánh trên tàu, chị Thu Diễm cũng có không ít kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó, chị nhớ nhất là lời khen ngợi từ một vị khách nước ngoài. Sau khi dùng buffet trên tàu, ông đã gọi bếp trưởng để thừa nhận rằng, ông đã ăn hết một lúc năm ly pineapple cheesecake (bánh dứa phô mai). Ông gửi lời khen ngợi món ăn và cảm ơn vì rất hài lòng khi chọn tàu này để ăn tối cùng vợ.
“Nhận được phản hồi qua lời kể của bếp trưởng, cảm giác tôi lúc đó thật vui sướng, thật hạnh phúc khi thành phẩm của mình đạt kết quả tốt. Nghề bếp là vậy đó, chỉ cần nghe được sự hài lòng của thực khách là bao nhiêu mệt mỏi tan biến, như được tiếp thêm tình yêu nghề”, chị Diễm kể. Và, những lời khen này cũng là thách thức để chị ngày càng sáng tạo và phát triển hơn nữa ở bếp bánh để đáp ứng sự mong đợi của quản lý, thực khách.
Nghề bếp là vậy đó, chỉ cần nghe được sự hài lòng của thực khách là bao nhiêu mệt mỏi tan biến, như được tiếp thêm tình yêu nghề
Giờ đây, khi nhìn lại những khoảnh khắc được ghi lại bằng hình ảnh, đầu bếp Thu Diễm thấy mình như lớn lên từng ngày. Các loại bánh do chị chế biến ngày càng phong phú, đa dạng cả bánh Âu và bánh Việt, hình thức bắt mắt hơn, chất lượng bánh ngon hơn. Bản thân chị cũng đã thành thạo cách cân đối chi phí, xử lý tình huống nhanh gọn hơn. Đối với chị, khoảng thời gian làm việc trên tàu thật đẹp và nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Trong tương lai, đầu bếp Thu Diễm dự định sẽ bắt đầu con đường giảng dạy, đem những kiến thức thực tế, kinh nghiệm đã tích góp được truyền lại cho những bạn trẻ đam mê với nghề bếp. Bên cạnh đó, chị cũng đang ấp ủ một kế hoạch hoàn chỉnh cho việc mở một nhà hàng riêng của mình.
Nhi Vũ