(SGTT) – Chao và khoai môn là hai nguồn thực phẩm thường có trong những món lẩu thanh đạm. Hôm nay, hai nguyên kết hợp cùng nhau để tạo nên nồi lẩu chao khoai môn bắt vị.
- Thơm ngon nồi lẩu cá dìa cho ngày cuối tuần
- Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa thứ Bảy
- Dân dã nồi lẩu cuối tuần cùng lẩu mắm nhúng heo quay
Như tên gọi, lẩu chao khoai môn có hai nguyên liệu chính là chao và khoai môn. Bên cạnh đó là một số thực phẩm dùng kèm như đậu hũ, nấm hay nhóm thịt, cá, hải sản. Khác với những món lẩu khác khi nước dùng hầm từ xương heo, bò, gà, nước dùng lẩu hôm nay sử dụng gia vị chao là chủ đạo.
Về khoai môn, chọn mua củ khoai chắc, tròn đều, cầm chắc tay. Sau đó, khoai môn được sơ chế sạch và cắt khúc nhỏ vừa ăn. Do trong khoai có phần nhựa dễ làm món ăn bị chát, nên cho khoai vào thau nước sạch ngâm khoảng 15 phút để ra hết chất nhựa này.
Thay vì sử dụng nước lọc nấu lẩu, một số quán ăn thay thế bằng nước dừa để mang đến vị ngọt tự nhiên hơn. Tiếp đến, cho khoai môn vào nồi cùng nước dừa, cùng quế hồi, gừng, sả, hành tây và ít nước mắm, hạt nêm nấu đến khi nước sôi. Phần chao được cho vào sau cùng và khuấy đều nước lên để hương vị được tỏa đều nồi lẩu.
Ngoài lựa chọn các loại thịt như gà, heo, bò hay hải sản nhúng lẩu, thực khách theo xu hướng ẩm thực lành mạnh có thể chọn nấm các loại, đậu hũ để thả vào nồi lẩu. Không giống các món lẩu khác, khi rau nhúng phải chọn theo kiểu ăn của lẩu, lẩu chao khoai môn tùy chọn rau theo sở thích. Có thể kể đến như rau muống, xà lách son, cải thảo, rau mầm, cải bẹ xanh, cải ngọt… hay những loại rau dân dã miền Tây như bông điên điển, bông súng, sen, hẹ nước, bồn bồn.
Để thêm phần no bụng, các sợi bánh ăn kèm như hủ tiếu, mì trứng, mì gói, bún tươi, phở là không thể thiếu. Chỉ có một lưu ý rằng sợi bánh phải được trụng riêng chứ không thả vào nồi lẩu để tránh ảnh hưởng đến vị nước dùng.
Mang hương vị thanh tao, chút bùi bùi của khoai môn và chao, lẩu chao khoai môn là một gợi ý cho mọi người trong trưa thứ Bảy.
Theo amthucdanda, cachnaulau, shopeefood