Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Khởi nghiệp từ “chân gà” online, chàng trai 9X mở quán ăn không gian miền quê tại TPHCM

(SGTT) - Sau sáu năm nhận từng đơn bán chân gà trực tuyến (online) quanh TPHCM, chàng trai 9X quê Bình Thuận hiện đã làm chủ một quán ăn có thu nhập tiền triệu mỗi ngày. Điều đặc biệt thu hút giới trẻ tới đây thường xuyên là ngoài chất lượng món ăn thì không gian, cách bài trí tại quán như giúp mọi người như được quay về tuổi thơ.
Anh Phan Phạm Tấn Đạt bên sản phẩm chân gà muối sả ớt, món ăn làm nên thương hiệu cho riêng anh trong thị trường thực phẩm. Ảnh: An Phú

Hai ký chân gà và những ngày chạy khắp thành phố

Khi còn là sinh viên, anh Phan Phạm Tấn Đạt (28 tuổi), từng làm công việc phục vụ tại một quán tàu hủ, nơi đây đã cho anh những ý tưởng về kinh doanh trực tuyến (online) món chân gà sả ớt. Anh Đạt chia sẻ “Một ngày nọ vô tình tôi nghe đến món chân gà sả ớt và được chủ quán cũ cho thử vị, tôi tự hỏi sao mình không làm để ăn chơi và được thì bán luôn vì lúc đấy ở TPHCM món này chưa phổ biến, nhắc đến chân gà người ta chỉ nghĩ đến cách làm là nướng hoặc hấp”.

Nghĩ là làm, anh dùng số tiền ít ỏi kiếm được từ những ngày làm thêm để mua nguyên liệu và mày mò công thức chế biến. Anh còn cẩn thận lựa chọn những mẻ chân gà trong siêu thị, từng ngọn sả, nắm ớt rồi đem về phòng trọ chế biến. Tuy nhiên, những mẻ đầu do chưa có kinh nghiệm nên phần lớn đều chưa đạt để bán cho khách hàng. “Sau khoảng 10 lần làm rồi bỏ, tôi đã hiểu và khắc phục những lỗi cơ bản trước đó. Lúc này mọi người xung quanh mới dám thử và cho nhận xét, chị chủ quán nơi tôi làm phục vụ cũng động viên tôi hãy bán thử xem”, anh Đạt kể.

Sau khi đăng bài bán online trên mạng xã hội, anh hồi hộp và vui mừng nhận từng đơn hàng đầu tiên của khách, khi thì nửa ký khi thì một ký. Lúc đó, anh dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi sau ca làm để chuẩn bị hàng giao cho khách. Nhắc lại kỷ niệm vui, anh Đạt cho biết do quy trình làm món chân gà sả ớt vất vả nhất ở công đoạn sơ chế sả, ớt và làm sạch chân gà nên có những đêm anh hay bị hàng xóm “dọa nạt” vì tiếng ồn khi chế biến gây ra.

Theo anh để tạo uy tín với khách hàng và khẳng định chất lượng riêng, anh ưu tiên chọn mua nguyên liệu tươi sạch và nói không với chất bảo quản có hại cho sức khỏe. “Nguồn thông tin lúc đấy về thực phẩm bẩn nhan nhản khắp mọi nơi, chân gà đông lạnh cũng được nhắc đến và cảnh báo đến người dân nên dù bán ít lời tôi vẫn kiên quyết đảm bảo chất lượng trong từng sản phẩm của mình”, anh Đạt nhấn mạnh.

Món chân gà (phải) được anh chăm chút từ khâu mua nguyên liệu, sơ chế cho đến thành phẩm. Ảnh: An Phú

Trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, anh cười và tả lại dáng vẻ tất bật của mình khi chạy khắp các con đường ở TPHCM để giao hàng cho khách vào những ngày đầu năm 2016. Lúc đó, để kiếm từng đơn hàng và giữ chân khách, anh phải chịu khó giao hàng tận nơi.

“Có ngày đơn khách ở quận 5, tôi chạy một mạch sang đó giao rồi có khách gọi ở đầu quận Phú Nhuận, tôi cũng hối hả chạy về. Sau khi cơm nước xong, khách ở quận 5 thấy ngon lại gọi giao tiếp một phần nữa. Vậy đó, những ngày ấy hầu như chỉ ở ngoài đường nhưng tôi thấy rất vui, cảm giác hạnh phúc khi khách phản hồi tốt về món chân gà”, anh vui vẻ nói.

Theo đà, anh nghĩ đến chuyện mở quán ăn dù trong tay có vỏn vẹn hai, ba chục triệu đồng. Chàng trai 9X vẫn ấp ủ ước mơ về một quán ăn cho riêng mình. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh Đạt đã quyết tâm tay ngang mở quán kinh doanh, bỏ hẳn công việc quản trị kinh doanh với mức lương ổn định lúc đó.

Đưa “nhà ngoại” về thành phố

Trước sự ngăn cản quyết liệt từ gia đình, anh dần chứng minh quyết tâm của mình với ba mẹ khi tự tìm vốn và mở quán. Cụ thể, anh tìm công việc quản lý ở nhà hàng, khách sạn với mức lương cao hơn công việc cũ rồi tiếp tục đẩy mạnh mảng bán chân gà online. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu quy trình mở quán và quản lý một quán ăn song song việc bán online cho nguồn thu nhập đều tay mỗi ngày.

Anh Đạt cho hay nhờ nguồn khách mua chân gà ổn định, tiếng lành đồn xa đã giúp anh duy trì được đam mê cũng như có thêm lượng khách tiềm năng. “Tôi tự tay thiết kế quán, lên thực đơn và cả quản lý nhân sự. Tôi đã học hỏi mỗi thứ một ít để mình không bị hụt hơi khi bắt đầu kinh doanh bởi mình chỉ là người tay ngang”, anh nói.

Vậy là quán ăn có cái tên ngộ nghĩnh “Gặm” mang phong cách dân dã, thôn quê với những món ăn gần gũi, bình dị ra đời vào tháng 12-2018. Đầu tiên về thực đơn, anh xác định chỉ với món chân gà sả ớt lâu nay không thể làm nên điểm đặc biệt để hút khách. Vì vậy, anh Đạt tự tìm tòi công thức nấu, chế biến nhiều loại sốt chân gà, đa dạng món ăn hơn bằng cách đưa hương vị quê nhà vào thực đơn.

Hiện quán của anh đang phục vụ 41 món, trong đó, riêng món chân gà tạo nên sự thích thú cho thực khách với 13 loại sốt riêng biệt.

Những món ăn mang phong vị dân dã, gần gũi là điểm níu chân thực khách. Ảnh: An Phú

Anh Đạt tâm sự “Những người con xa nhà chắc hẳn ai cũng nhớ món ăn ngày xưa bên mâm cơm với ông bà, cha mẹ, nên sau quá trình tìm tòi tôi đã có thực đơn cho quán với một số món ăn dân dã như gỏi mít, gỏi xoài khô cá lóc, cơm gà tàu xì… cộng với không gian mô phỏng hình ảnh nhà ngoại tôi ngày xưa để làm ý tưởng chính cho quán”.

Không gian quán bình dị, giúp thực khách như quay về tuổi thơ. Ảnh: An Phú

Theo đó, từng chiếc bàn, ghế, kệ tủ… mỗi góc không gian đều xuất hiện hình ảnh xưa cũ nhuốm màu thời gian giữa nhịp sống hối hả của Sài Gòn.

Bạn Nga Đỗ cùng nhóm bạn ở quận Phú Nhuận dành thời gian nghỉ trưa ghé quán chia sẻ  “Tôi nghe tên quán ‘Gặm’ nên nghĩ chắc ở đây chỉ bán đồ ăn vặt, cho đến khi thấy thực đơn rất đa dạng các món ăn chơi đến ăn no bụng. Cảm nhận đầu tiên chính là không gian như thuở ngày xưa, nhìn rất giống ngôi nhà miền Tây hoặc thời ông bà mình. Về món ăn tôi khá ấn tượng với cách chế biến chân gà của anh chủ, chỉ từ chân gà anh có thể làm đến 13 loại khác nhau, vị ăn cũng rất khác với thị trường bán món này hiện nay”.

Chị Nguyễn Thị Nhi cũng là khách ruột của quán đến ăn trưa cùng con gái kêu món quen thuộc là mì gà tàu xì. Theo chị, điểm cộng của quán đến từ không gian yên bình cùng món ăn quê, bên cạnh sở trường chính là chân gà. Chị nói: “Tôi thấy chân gà hay được làm với sả tắc, nay chủ quán làm sả ớt cũng là cái hay, nó có vị riêng, thơm và tự nhiên hơn”.

Mì gà tàu xì, món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng không kém cạnh chân gà sả ớt. Ảnh: An Phú

Để vận hành quán nhỏ nằm giữa quận Bình Thạnh, anh Tấn Đạt cho hay mình không ngừng học hỏi và tìm ý tưởng mới mỗi ngày. Chàng trai quan niệm mỗi đứa con cần được nuôi lớn thật tỉ mỉ và cẩn trọng, thế nên, thay vì chạy theo số lượng mở chuỗi anh chọn đi theo phát triển chất lượng trong từng đơn hàng đến tay khách hàng.

An Phú

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đầu bếp Trần Trung Hải: ‘Bếp Việt mới là niềm đam...

0
(SGTT) - Chỉ với bếp Việt, đầu bếp Trần Trung Hải mới tìm lại được hương vị xưa, quen thuộc từ những món ăn...

Những khác biệt giữa phở Hà Nội và phở Nam Định

0
Mới đây, hai món phở Hà Nội và phở Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di...

Nhờ đâu ẩm thực Việt gây thương nhớ với du khách...

0
(SGTT) – Không chỉ là một phần quan trọng của văn hóa địa phương, ẩm thực Việt Nam còn là điều hấp dẫn đối...

Nguyên liệu làm món bún đậu mắm tôm chuẩn vị

0
Bún đậu mắm tôm là món ăn đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Hà Nội. Ngày nay, tại TPHCM, có nhiều quán ăn...

Bếp trưởng Đỗ Xuân Trình: để làm bếp trưởng không chỉ...

0
(SGTT) - Người đầu bếp giỏi không chỉ luôn học hỏi, rèn luyện kỹ năng nấu bếp mà còn phải đặt tâm của mình...

Nghệ sĩ ẩm thực người Anh tạc tượng người nổi tiếng...

0
(SGTT) – Khi nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Ed Sheeran sáng tác ca khúc Shape of You, ông cũng không nghĩ đến hình...

Kết nối