(SGTT) – Nhắc đến cà na, có lẽ là một loại trái rất đặc trưng ở vùng tứ giác Long Xuyên mà không nhiều người ở vùng khác được thưởng thức trọn vẹn cái nét thôn dã vốn có của nó.
- Bỏ túi những công thức món ăn vùng miền nổi tiếng tại An Giang
- Du lịch giữa mùa dịch: Độc đáo làng nổi cá bè ở Châu Đốc, An Giang
- Du lịch giữa mùa dịch: Bình yên miền đất An Giang
Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ trái cà na nở rộ vào mùa nước nổi và cây cà na trĩu quả cạnh mé nước, muốn hái hết trái thì phải leo trèo lên cao hoặc bơi xuồng. Với các cô cậu học trò thì đây là kỷ niệm nhắc lại hằng năm và kiếm cớ để họp lớp, rộng hơn một chút thì là dịp để mời bạn bè phương xa về du lịch miền sông nước đạp xe, đi ghe xuồng, hái trái cà na vô tư hồn nhiên như những đứa trẻ.
Cây cà na tuy thân nhỏ nhưng cành dai, khỏe nên một người có thể leo lên hái mà không sợ gãy cành. Vậy thì hái xong rồi thì làm gì để ăn đây?
Trái cà na có đặc trưng rất chát và có vị chua, cho nên khi đi chơi xuồng hái trái thì mọi người đều “thủ sẵn” bên mình bịch muối hột giã ớt cay để vừa hái xong là chấm thưởng thức ngay. Chính vị mặn cay của muối ớt làm cho người ăn giảm cảm giác chua chát ở đầu lưỡi, cắn vào một cái thì ai cũng phải nhăn mặt. Ngày trước khi chưa có giống cà na Thái thì trái cà na còn chua chát hơn bây giờ nhiều và cũng rất ít cơm, chỉ toàn hột với hột. Nói là ăn chứ mỗi người cũng chỉ một vài trái thưởng thức cho vui miệng, nhưng vẫn thích hái càng nhiều càng tốt, về rồi làm món gì nữa?
Cà na ngào đường và cà na ngâm đường chua ngọt là 2 món mà bất kỳ ai thích ăn cà na đều xem là món khoái khẩu. Cà na ngào đường hay ngâm đường chua ngọt đều phải trải qua các bước cơ bản là loại bỏ chất chát và chua trong cà na. Theo đó, trái cà na đem về phải dùng dao cắt khía dọc theo trái, cắt làm 4-6 khía tùy trái lớn nhỏ. Mục đích cắt khía là để dùng một vật nặng chẳng hạn như tấm thớt chà lên trái làm cho nó dập để nước trong trái chảy ra, sau đó, bỏ vào thau nước muối pha loãng ngâm khoảng 1 giờ và xả nước lại nhiều lần, vớt ra vắt trái cho ráo nước.
Xốc đường hay còn gọi ướp đường ngâm trong thời gian ít nhất là 8 giờ đồng hồ là một công đoạn không thể bỏ qua. Nếu bạn ngâm ít hơn thời gian này thì đường chưa kịp ngấm vào trong lõi của cà na, nên khi ăn vào cái vỏ bên ngoài thì ngọt, còn bên trong nhạt và chua chát. Đường nhiều hay ít thì tùy vào khẩu vị của mỗi người, đường càng nhiều thì ăn càng ngọt, ai thích ăn chua chua thì để lượng đường vừa phải. Nếu ai ăn cà na ngâm chua ngọt thì đến công đoạn này là xong và chỉ còn đợi 1 ngày sau là có trái ngon để ăn.
Món cà na ngào đường thì phải thêm 1 bước nữa đó là bắc chảo lên cho nóng rồi đổ số cà na ngâm đường vào để ngào, nhớ là xơ (xào hoặc đảo) đều tay và liên tục để đường không vón và thấm đều trái cà na. Món này thì tùy vào tay nghề của từng người mà cho ra đặc sản hảo hạng. Có người còn phải ngào tới lui nhiều lửa mất mấy ngày thì trái cà na nó mới thấm, cực công lắm.
Bạn đã thử các món cà na ngào đường, cà na chua ngọt hay cà na ăn sống trong khi đi du lịch bằng xuồng ghe trên kênh rạch xứ An Giang chưa? Hãy thử một lần đến với quê hương mình nhé, hân hạnh được chào đón các bạn.
Linh Thoai Ong