(SGTTO) – Bún chả được xem là món ăn dân dã, có sức sống lâu đời ở miền Bắc. Món bún này ăn cùng nước chấm được hâm nóng vì miền Bắc có mùa đông lạnh. Song khi đến miền Nam, một số quán lại dùng nước chấm bún chả nguội, nhưng giữ nguyên các nguyên liệu, kết cấu. Món ăn này có thể ăn chơi hay bất cứ bữa ăn nào trong ngày.
Đến Hà Nội, nếu bạn chưa thử món bún chả truyền thống thì coi như chưa đến nơi đây. Khi đi ngang những quán bún chả, chắc chắn thực khách sẽ khó kiềm lòng trước mùi thịt nướng thơm lừng trên than hoa và phải vào gọi ngay một bát bún với chả, thịt nướng đầy đủ.
Món ăn này rất dân dã, gần gũi với nguyên liệu thịt heo và các loại rau ăn cùng là rau thơm (húng quế, húng lủi, tía tô) và xà lách. Không chỉ là Hà Nội, những vùng nông thôn lân cận, món bún chả cũng là thức quà dễ tìm, được nhiều người địa phương ưa chuộng. Kết cấu món bún chả phần nhiều giống bún thịt nướng miền Nam. Song có một vài điểm khác nhau ở cách ướp thịt, nước chấm và cách ăn.
Về cách ướp thịt, người miền Bắc thích ăn đậm vị hơn nên thường ít nêm đường vào món ăn. Do đó, cách tẩm ướp gia vị của thịt nướng ăn kèm bún chả cũng đậm đà hơn. Người miền Nam thường có thói quen ăn ngọt nên thịt nướng ở miền Nam cũng được nêm nếm ngọt. Hơn nữa, món bún thịt nướng không có chả viên hay chả lá lốt. Ngoài thịt nướng, bún chả cũng có thể ăn kèm nem rán (chả giò kiểu miền Bắc).
Về phần nước chấm, nhiều người cho rằng đó là do miền Bắc có mùa đông lạnh, phải đun ấm nước chấm vì bún vốn đã lạnh. Nước chấm bún chả thường loãng hơn nước mắm chua ngọt miền Nam. Người ta nêm nước chấm với giấm chứ không dùng chanh tươi, ăn kèm với su hào, cà rốt ngâm chua và nhiều tỏi, tiêu.
Giấm thường dùng tạo vị chua trong các món ăn miền Bắc là giấm nuôi. Đây là giấm lên men tự nhiên từ chuối, bã gạo, dứa... ngâm với rượu, nước đường và nước dừa (tùy bí quyết riêng của địa phương). Giấm nuôi khi ăn có vị chua dịu và mùi thơm đặc trưng, khác với giấm hóa học, có mùi chua gắt và không có mùi thơm.
Cách ăn bún chả cũng khác biệt với bún thịt nướng. Thay vì trộn hết các nguyên liệu và rau vào một tô, chan nước mắm, bún chả sẽ được phục vụ theo phần. Một phần bún chả được phục vụ đầy đủ với: bún, tô nước chấm có các loại chả, thịt nướng, rau ăn kèm. Bún ở đây có thể là bún rối hoặc bún ép thành từng vắt bún nhỏ, để dễ chấm vào nước mắm. Khi ăn, thực khách cho rau vào nước chấm, chấm bún ăn cùng chả, thịt.
Không ngẫu nhiên mà cựu tổng thống Mỹ Obama lại chọn bún chả dân dã để thưởng thức khi ghé thăm thủ đô Hà Nội. Món ăn này nếu không khéo thì khó có thể làm ngon, chuẩn vị. Theo những người sành ăn, thịt nướng bún chả ngon là được tẩm ướp kỹ, khi nướng trên than hoa phải trở liên tục để thịt vẫn dậy mùi thơm, màu sắc đẹp mà khi ăn vẫn giữ được độ mềm, ẩm. Chả lá lốt thường được chiên hơn là nướng để không bị cháy xém. Chả thịt viên cũng phải chọn loại thịt nạc mềm, có kèm chút mỡ để thịt không bị khô hay dai. Nước chấm thì phải đạt độ mặn, ngọt, thanh vừa phải để không lấn át mùi thơm của thịt và độ tươi ngon của rau ăn kèm. Có thể nói, món bún chả tuy nhìn đơn giản, song lại là cả sự khéo léo và cầu kỳ của người miền Bắc.
Nhờ hương vị thơm ngon, dễ ăn, món bún chả nhanh chóng du nhập vào TPHCM và nhiều địa phương khác. Thịt nướng thơm lừng, mềm ngọt ngâm trong nước mắm thanh thanh, thêm sợi bún dai dai và nhiều rau tươi. Đây sẽ là gợi ý cho bữa trưa nhẹ nhàng và ngon miệng.
Trên các ứng dụng đặt thực ăn trực tuyến, có nhiều hàng quán bán bún chả nên bạn có thể dễ dàng đặt một phần bún giao tận nơi. Giá một phần bún chả khoảng 40.000 - 60.000 đồng. Một số quán bún chả ngon được nhiều người đặt là bún chả Hồ Gươm (quận 3), bún chả Phố Cổ (quận Phú Nhuận), bún chả Hà Nội 25 (quận 1), bún chả Hoàn Kiếm (quận Tân Bình), bún chả Quỳnh (quận 10)...
Nếu muốn thử tìm hiểu cách làm bún chả đơn giản nhất, bạn có thể tham khảo công thức dưới đây từ Sài Gòn Tiếp Thị nhé!
Vũ Nhi tổng hợp