(SGTT) - Suối Cửa Tử thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45km. Đây là nơi trekking lý tưởng cho du khách đam mê mạo hiểm, bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, nhiều thách thức trên cung đường khám phá.
- Trải nghiệm cắm trại đêm, đón bình minh ở Bãi Môn
- Dòng thác khiến cỏ cây, đồ vật ‘hóa đá’ ở Thanh Hóa
Theo người dân bản địa, sở dĩ gọi là Cửa Tử vì ở đây chỉ có duy nhất một con đường để lên xuống. Suối Cửa Tử gồm có bảy con thác, hay còn gọi là bảy cửa, nằm lọt thỏm giữa rừng, len lỏi qua những vách đá. Một số cửa còn có hồ nước nhỏ có thể bơi.
Đối với những người lần đầu trekking thì chỉ nên khám phá cửa 1. Nếu muốn đi sâu hơn đến cửa 2 và 3 thì bắt buộc phải có người hướng dẫn vì đường đi khó, người thám hiểm cũng cần có một sức khỏe tốt, ai không phải “thổ địa” nơi này rất dễ bị lạc đường.
Đoạn khởi đầu ở cửa 1 sẽ khá dễ nhưng những cửa sau đó sẽ càng lúc càng khó đi, có nhiều đoạn phải ngâm mình trong dòng nước lạnh khoảng 15-20 độ C. Đường đi đến cửa 1 khá dễ, những ai lần đầu trekking cũng có thể tự đi. Cuối tuần, ở đây chính là nơi tụ họp lý tưởng của bạn trẻ, gia đình muốn cắm trại cùng nhau.
Còn từ cửa 4 đến cửa 7 thì đường lại càng trắc trở, thường những ai có kinh nghiệm trekking dày dặn và có hướng dẫn viên thì mới có thể khám phá cung đường này.
Để có thể chinh phục con suối hùng vĩ này, người trải nghiệm chỉ có thể đi một con đường duy nhất là men theo bờ suối.
“Có những chỗ đi không nổi vì trơn, đoàn mình phải bò qua khúc đó”, bạn Phượng, du khách trải nghiệm trekking suối Cửa Tử chia sẻ.
Dịch vụ du lịch tại suối Cửa Tử vẫn chưa phát triển, du khách còn phải tự túc khá nhiều.
Nhờ vậy, sự hoang sơ của núi rừng, ghềnh thác ở đây lại vẫn còn được giữ nguyên vẹn, sự thử thách và khó khăn qua mỗi cung đường tại Cửa Tử cũng được xem là thiên đường cho những du khách đam mê mạo hiểm, ưa khám phá.
Tuy mùa hè là mùa trekking lý tưởng nhất tại suối Cửa Tử nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm nếu gặp phải trời mưa.
Tại đoạn đầu, dòng chảy vẫn khá hiền hòa, trong vắt như bình thường nhưng đi càng sâu thì nước càng chảy xiết, con đường cùng các tảng đá ngày càng trở nên trơn trượt hơn.
Mức nước cũng lên xuống rất thất thường, do vậy, theo dõi dự báo thời tiết và dời lịch trekking nếu trời bất chợt mưa chính là điều quan trọng.
Quãng đường trekking đến cửa 1 dài khoảng 2km đường bộ và 700m lội suối, đi hết con đường qua những đồi chè Hoàng Nông là tới, đây là một vũng nước sâu, trong vắt chảy giữa hai bên vách đá.
Vào mùa hè, nước ở Cửa Tử mát lạnh, chính vì thế, bất kỳ du khách nào qua đây cũng có thể đắm mình trong làn nước trong xanh đến tận đáy.
Ảnh: Hải Biên
Từ cửa 2 trở đi sẽ có ít người khám phá, đây là chặng đường thích hợp cho những ai đam mê mạo hiểm.
Quá trình băng rừng vượt thác ở những cửa này bắt buộc phải có người dẫn đường, du khách sẽ phải chinh phục một đoạn đường bằng cách ngâm mình trong nước suối với độ sâu khoảng 1,5m, đây là chặng đường phức tạp nhất trong chuyến đi.
Sau khi lội qua đoạn suối nước sâu này, sẽ có những lối đá to khổng lồ chặn ngay giữa đường đi vốn đã nhỏ hẹp.
Nếu không có những chiếc thang được người dân nơi đây thiết kế và tạo nên, chắc chắn sẽ không có một ai có thể vượt qua được thử thách của chặng đường này. Càng đi sâu vào các cửa tiếp theo, du khách càng cảm nhận được sự hoang vu của rừng già.
Hai bên bờ suối là những cây cổ thụ rủ bóng xuống mặt nước, những chiếc rễ vươn lên, đâm xuyên khỏi mặt đất như những con rắn uốn lượn.
Đối với những người đi trekking, điều hấp dẫn nhất có lẽ là vượt qua các tảng đá cao trơn trượt, băng dòng thác đang chảy mạnh.
Minh Huyền