HOÀNG XUÂN PHƯƠNG -
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho biết một số loại thực phẩm chế biến như thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng hay hotdog có thể dẫn đến ung thư đại tràng.
Ngay sau đó, một số công ty chế biến thực phẩm lâu đời đã phản ứng lại với kết luận bất ngờ này. Họ cho rằng kết luận đưa ra quá đơn giản và điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng ăn các món chế biến kể trên. Đơn giản vì lâu nay thịt đỏ gồm thịt của những loài động vật có vú như bò, cừu, heo, là những thực phẩm thông dụng, phổ biến, ngon miệng và giàu dinh dưỡng.
Sản phẩm chế biến từ các loại thịt đỏ đang bị xem là liên quan đến ung thư đại tràng.
Hôm 26-10 vừa qua, Cơ quan quốc tế về Nghiên cứu ung thư IARC thuộc WHO công bố bản báo cáo, trong đó đặt một số thực phẩm chế biến từ các loại thịt đỏ vào nhóm 1, tức nhóm có bằng chứng đầy đủ về liên quan đến ung thư. Thuốc lá và sợi amiang từ trước đã nằm trong nhóm 1 này. Báo cáo kỳ này của IARC cũng xếp bản thân các loại thịt đỏ vào nhóm 2A, là nhóm có khả năng gây ung thư, cùng nhóm với thuốc diệt cỏ chứa chất glyphosate.
Đây là lần đầu tiên IARC đưa ra một báo cáo thẩm tra về thịt sau khi xem xét 800 nghiên cứu của 22 chuyên gia trình bày tại Pháp trong đầu tháng này. Tiến sĩ Kurt Straif của IARC nói: “Với từng bữa ăn của mỗi người, nguy cơ phát triển ung thư đại tràng bởi tiêu thụ thịt là không lớn, nhưng mối nguy cứ tích lũy thêm vào đó theo lượng thịt mà họ ăn vào”. Nguy cơ ung thư đại tràng tăng lên đến 18% đối với những ai mỗi ngày ăn đến 50 g thịt chế biến, và nguy cơ này cũng liên quan đến khả năng ung thư dạ dày, tá tràng và gan.
Cho dù việc xếp nhóm thực phẩm như vậy không mấy tác động đến một số thị trường, nhưng điều này lại tạo ra tranh luận. Tháng 2 năm nay, Ủy ban Trách nhiệm về hướng dẫn chế độ ăn uống Mỹ đã khuyến cáo người dân nên giảm ăn thịt. Nhưng việc xếp nhóm kỳ này lại có thể dẫn đến các vụ kiện liên quan đến các công ty sản xuất loại thịt chế biến và bệnh nhân ung thư, cũng như đã xảy ra một vài vụ kiện giữa bệnh nhân ung thư với công ty sản xuất thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate.
Ngành công nghiệp chế biến thịt của Mỹ đã phản ứng gay gắt đối với khuyến cáo giảm ăn thịt. Và nay, Viện Thịt Bắc Mỹ (NAMI) cũng ngay lập tức ra thông cáo phủ nhận kết luận của IARC. Viện này cho rằng những nghiên cứu của riêng họ đều không cho thấy mối liên quan nào giữa việc ăn thịt chế biến với ung thư tá tràng. Trên thực tế, những nghiên cứu của NAMI cũng đã nhận ra mối liên hệ nhưng cho rằng mối liên hệ này yếu hoặc không giá trị. Trong khi đó, có một báo cáo công bố năm 2014 trên American Journal of Clinical Nutrition cũng cho thấy có mối liên hệ giữa thịt chế biến và ung thư đại tràng.
IARC công nhận rất khó để xác minh từng trường hợp cụ thể. Nhưng giáo sư y khoa Andrew Chan tại Harvard Medical School cho rằng những kết quả nghiên cứu của ông cũng xác định việc xếp nhóm của IARC là đúng. Còn trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Fortune, Giám đốc điều hành nghiên cứu dinh dưỡng con người tại Hiệp hội Bò National Cattlemen, bà Shalene McNeill, cũng đã lưu ý đến mối liên hệ giữa ung thư với việc tiêu thụ thịt.
Dẫu sao, những nghi ngại ban đầu và những tranh luận trái chiều sẽ sớm giúp ngành công nghiệp tiến hành các cuộc nghiên cứu chuyên sâu hơn để tìm ra câu trả lời thực sự và giải pháp hữu ích.