Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Tài xế “rầu” vì mức chiết khấu mới, Grab nói phải tuân thủ luật pháp

Ngày 8-12 sau Hà Nội, TPHCM thì đến lượt các tài xế tại Đà Nẵng cũng tập trung lại để đưa ra ý kiến không đồng tình với mức chiết khấu mới của Grab. Trong khi đó tại TPHCM nhiều tài xế cũng đến tòa nhà nơi đặt văn phòng của Grab (quận 7) để tiếp tục phản ứng và yêu cầu gặp đại diện Grab.

Những tài xế xe ôm công nghệ của hãng cho biết trong giai đoạn khó khăn chung vì dịch bệnh này, mức khấu trừ mới của Grab đã ít nhiều làm giảm thu nhập và gián tiếp ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Theo thông tin TBKTSG Online ghi nhận được, tại Hà Nội, các tài xế tập trung không đông như ngày 7-12 nhưng cũng có không ít các tài xế tiếp tục tắt App và chạy xe thành từng nhóm nhỏ đến nhiều nơi để bày tỏ sự phản ứng. Ghi nhận trong ngày 8-12 các tài xế ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng vẫn tiếp tục tắt App để phản ứng với Grab. Tại nhóm cộng đồng tài xế Grab trên mạng xã hội Facebook, các tài xế vẫn tiếp tục kêu gọi tắt App và tiếp tục di chuyển đến nhiều nơi để phản ứng với mức chiết khấu mới.

Những ngày qua vụ việc Grab đưa ra mức khấu trừ mới đã làm giới tài xế chạy xe ôm công nghệ xôn xao vì ảnh hưởng trực tiếp đến “miếng cơm manh áo” của họ. Với mức chiết khấu mới của Grab, tài xế lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như nghề nghiệp lâu dài.

Tài xế Grab than phiền về mức chiết khấu mới. Một số tài xế vẫn tiếp tục tắt App phản đối mức chiết khấu mới này của Grab. Ảnh: Chánh Trung

Sáng ngày 8-12 tại góc đường Lê Duẩn – Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) hàng chục tài xế xe ôm công nghệ Grab vẫn vội vã vào ra đón trả khách, giao hàng cho nhân viên các tòa nhà văn phòng tại đây. Góc đường này hằng ngày có hàng trăm tài xế Grab thường xuyên đón trả khách, giao hàng. Nhiều người vừa tranh thủ chờ đón trả khách ăn vội hộp xôi, ổ bánh mì, uống ly cà phê.

Anh Hoàng Sơn, một tài xế Grab chia sẻ: “Tôi trước đây vốn là tài xế chạy GrabCar tuy nhiên doanh thu không đủ để trả tiền thuê xe nên tôi chuyển sang chạy GrabBike từ năm ngoái. Mấy ngày nay anh em chạy Grab ai cũng bức xúc vì mức chiết khấu mới này của Grab. Một cuốc giá 100.000 đồng trước đây anh xem lái xe lấy được 80.000 đồng sau khi trừ chiết khấu cho Grab. Còn từ ngày 5-12 này 1 cuốc 100.000 đồng chúng tôi chỉ còn nhận được 72.000 đồng".

Theo lời người tài xế này, anh đã hỏi thăm các đồng nghiệp và được biết mới chỉ có Grab tăng tỷ lệ chiết khấu chứ các hãng Be, Gojek không làm điều này. Anh kể mỗi ngày kiếm được 400.000-500.000 đồng chưa trừ 20% chiết khấu, sau khi trừ đi thì khoản tiền thu được là 320.000-400.000 đồng. Nay với mức chiết khấu mới mỗi ngày chỉ còn kiếm được khoảng 288.000-360.000 đồng.

"Tăng chiết khấu vào thời điểm này tôi và anh em thấy không hợp lý chút nào vì đây là khoảng thời gia khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khách hàng cũng hạn chế đi lại. Nhiều người thất nghiệp ra chạy Grab ngày càng nhiều, tài xế phải cạnh tranh nhau... thu nhập lại giảm chắc chỉ có nước nghỉ hoặc chuyển nghề”.

Nhiều tài xế Grab khác cũng cho biết mức chiết khấu mới sẽ làm giảm thu nhập của tài xế, và trong tình hình kinh tế bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì chắc chắn các tài xế sẽ thêm phần khó khăn trong thời gian sắp tới.

Trước đó, ngay khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-12-2020, Grab ngay lập tức điều chỉnh tăng chiết khấu với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc. Theo đó Grab công bố thay đổi chính sách thuế áp dụng cho toàn bộ đối tác tài xế của mình và tăng giá cước cơ bản của các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc cũng điều chỉnh tăng. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi, Grab cho biết.

Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Grab cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.

Bức xúc trước việc tăng mức khấu trừ này sáng ngày 7-12, hàng trăm tài xế Grab tại Hà Nội và TPHCM đã đồng loạt tắt ứng dụng, tập trung tại các trụ sở Grab và nhiều địa điểm khác nhau để phản ứng với chính sách khấu trừ mới của Grab.

Theo các tài xế xe công nghệ hiện nay mỗi ngày các tài xế phải chạy hơn 10 tiếng hoặc hơn mới đủ sống. Nếu áp dụng mức chiết khấu mới thì tài xế mỗi ngày phải chạy nhiều hơn số cuốc mà số tiền đem về còn bị giảm hơn so với trước đây. Bên cạnh đó Grab còn tăng giá các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabFood… cũng sẽ khiến người dùng e ngại sử dụng các dịch vụ và dĩ nhiên các tài xế sẽ gặp khó khăn.

Grab trả lời về việc tăng chiết khấu với các tài xế

Trả lời với TBKTSG Online ngày 8-12, Grab cho biết, theo quy định trên của Nghị định 126/2020 NĐ-CP (NĐ 126) thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế. Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.Cũng theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế; mà doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế. Vì vậy, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của NĐ 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.Trước và ngay sau khi NĐ 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này và  đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan, đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Chánh Trung

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM thử nghiệm thu phí đậu xe qua tài khoản ETC

0
(SGTT) - Đường Hai Bà Trưng, Lê Lai (quận 1) và Phạm Hữu Chí (quận 5) sẽ chuyển sang hình thức thu phí đậu...

Nhu cầu chụp ảnh mùa Tết tăng, cả thợ ảnh không...

0
(SGTT) - Nhu cầu chụp ảnh tăng cao trong dịp cận Tết đã mang đến nguồn thu nhập nhất định cho không chỉ những...

Thách thức nào cho mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam...

0
(SGTT) - Kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt tăng trưởng 7% nếu GDP quí 4 tăng khoảng 7,5% nhưng điều này...

Thưởng thức bò lá lốt, bánh hỏi kiểu món cuốn ở...

0
(SGTT) - Bò lá lốt là món ăn cuốn hút thực khách bởi lá lốt thơm lừng làm vỏ cuốn, nhân bên trong là...

Thưởng thức phở Hoàng, hai năm liên tiếp đạt Michelin Bib...

0
(SGTT) - Mở bán từ năm 2008, phở Hoàng là thương hiệu được thực khách nhớ đến bởi hương vị phở Nam Định, giao...

Mới lạ bánh cuốn Cao Bằng, dùng nước hầm xương thay...

0
(SGTT) - Dù chỉ mới mở bán thời gian gần đây nhưng quán ăn Thủy ở quận 7 lại thu hút sự quan tâm...

Kết nối