(SGTT) - Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, vắc-xin phòng Covid-19 có thể giảm khả năng lan truyền virus trong cộng đồng nhưng không có tác dụng bảo vệ 100%. Do đó, người đã tiêm chủng vẫn có thể mắc Covid-19 nhưng việc tiêm vắc-xin giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
- Gần 630.000 trẻ tại TPHCM đã tiêm vắc-xin Covid-19
- TPHCM: Hơn 85% người mắc Covid-19 đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin
- Vì sao người mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng bất ngờ chuyển nặng?
Tối ngày 5-11, Bộ Y tế đã phối hợp với tập đoàn Meta (trước đây là Facebook) tổ chức chương trình trực tuyến với chủ đề “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất: Hãy đi tiêm khi đến lượt” trong khuôn khổ chiến dịch “Tiêm vắc xin – Vững niềm tin”. Chương trình với sự tham dự của các chuyên gia y tế hàng đầu tại Việt Nam đã giải đáp những thắc mắc của khán giả trên cả nước về những vấn đề xung quanh việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, như kế hoạch và tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, vai trò và ý nghĩa của tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, các loại vắc-xin được cấp phép hiện nay…
Trong chương trình, trả lời thắc mắc tại sao hiện nay nhiều người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn mắc Covid-19, PGS. TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam, cho biết có những vắc-xin hiệu lực rất cao như vắc-xin đậu mùa, sởi (tiêm 1 mũi, có thể miễn dịch suốt đời) mà quá trình sản xuất vắc-xin có thể mất 4-5 năm hoặc các vắc-xin khác sản xuất đến 10 năm; thậm chí đến nay, có những bệnh truyền nhiễm vẫn chưa có vắc-xin như HIV/AIDS, sốt rét…
Với các loại vắc-xin phòng Covid-19 chỉ nghiên cứu chưa đến 2 năm, “chúng ta đã có thể đưa vào tiêm chủng cho toàn thế giới và cũng có hiệu quả trong việc phòng bệnh. Tùy loại vắc-xin có tính hiệu quả khác nhau, có những báo cáo về loại vắc-xin hiệu quả trên 90%, cũng có loại vắc-xin từ 60-70%”, ông Phu cho biết.
Trong các nghiên cứu, vắc-xin phòng Covid-19 làm giảm khả năng lan truyền virus trong cộng đồng “nhưng không phải triệt để 100%”, ông Phu nhấn mạnh và cho biết, những người đã tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, người đã tiêm vắc-xin sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc không có triệu chứng. Điều này giúp hạn chế tình trạng quá tải hệ thống y tế và giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm virus.
Trong thời gian vừa qua, tại TPHCM đã từng chứng kiến nhiều người đã tiêm chủng không gặp phải tình trạng trở nặng khi mắc Covid-19 và không phải đến các cơ sở y tế để điều trị.
Về những phản ứng sau tiêm chủng, ông Phu cho biết, một trong những tiêu chí của vắc-xin phòng Covid-19 là an toàn và hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, cả nước đã tổ chức tiêm cho rất nhiều đối tượng như trẻ em, người lớn… thì những rủi ro của phản ứng sau tiêm rất thấp so với nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây tử vong.
Ngoài ra, giải đáp về vấn đề liệu người dân có thể chọn loại vắc-xin để tiêm chủng, GS. TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết hiện nay, Bộ Y tế đã phê duyệt 8 loại vắc-xin phòng Covid-19, tùy theo từng loại thời điểm có những loaị vắc-xin khác nhau để tiêm cho người dân. Việc tiêm chủng sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ loại vắc-xin nào bởi vắc-xin được phê duyệt đều có chất lượng an toàn.
Về mở rộng mức độ bao phủ vắc-xin, ông Đức Anh thông tin thêm, cả nước vẫn đang tiếp tục mở rộng mức độ bao phủ vắc-xin cho nhóm đối tượng 18 tuổi trở lên (với 2 mũi vắc-xin). Tính đến nay, cả nước đã tiêm được khoảng 80 triệu mũi tiêm, trong đó gần 58 triệu người được tiêm 1 mũi và khoảng 25 triệu người tiêm đủ 2 mũi.
Với mục tiêu tiêm bao phủ ít nhất 1 mũi cho 70 triệu người, “chúng ta cần tiêm thêm 12 triệu mũi vắc-xin. Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, dự kiến đến giữa tháng 11 sẽ tiêm đủ 100% cho 70 triệu người và tiếp tục tiêm mũi 2”, ông Đức cho biết.
Chương trình trực tuyến với chủ đề “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất: Hãy đi tiêm khi đến lượt” nằm trong khuôn khổ chiến dịch truyền thông “Tiêm vắc-xin vững niềm tin” do Bộ Y tế phối hợp cùng tập đoàn Meta phối hợp tổ chức nhằm mục tiêu tuyên truyền mạnh mẽ về chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để người dân hiểu về lợi ích và trách nhiệm khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đồng thời kêu gọi toàn dân tham gia hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.
Minh Thảo