Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Phát triển đô thị carbon thấp, hướng đến tăng trưởng xanh

(SGTT) - Lãnh đạo TPHCM nói kết quả thực hiện Nghị quyết 98 đã rõ ràng hơn sau 6 tháng thực hiện và đang xây dựng cơ chế cụ thể để thúc đẩy quá trình thực thi. Trong số nhiều dự án kêu gọi đầu tư cho tăng trưởng xanh, TPHCM tập trung trước mắt vào hai dự án là xây dựng đô thị carbon thấp trong các lĩnh vực ưu tiên và quản lý ngập ở thành phố Thủ Đức.

Đây là những thông tin chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM diễn ra chiều ngày 24-1, do UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank tại Việt Nam) tổ chức.

Ưu tiên các dự án “xanh hóa” đô thị và chống ngập

Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nói thành phố chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, đi cùng xu hướng chung của thế giới.

“Thành phố cũng đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp”, ông Mãi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc sự kiện, đặt mục tiêu thành phố giảm 10% lượng khí phát thải nhà kính vào năm 2030. Ảnh: Đỗ Ân.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nói rằng, con số 10% mục tiêu là “rất tham vọng nhưng có thể thực hiện được với chiến lược phù hợp”.

Bên cạnh vấn đề tài chính, thách thức được đại diện World Bank nhấn mạnh là tình trạng ngập lụt, ước tính gây thiệt hại kinh tế có thể đến 250 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Con số này tăng lên qua từng năm, thậm chí có thể lên đến 350-500 triệu đô mỗi năm nếu biến đổi khí hậu gia tăng. Riêng tại TPHCM, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 50 triệu đô la mỗi năm.

Tại hội nghị, bên cạnh việc giới thiệu sơ lược 28 dự án kêu gọi đầu tư cho tăng trưởng xanh, TPHCM cũng chọn trình bày hai dự án quan trọng được ưu tiên trong thời gian tới. Một là đô thị carbon thấp trong các lĩnh vực ưu tiên, hai là quản lý ngập ở thành phố Thủ Đức.

Trình bày dự án trên, ông Marc Forni, chuyên gia World Bank cho rằng, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của TPHCM. Rủi ro trong trung và dài hạn là Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Nhưng vấn đề là các thành phố đang phát triển gặp hạn chế lớn về tài chính, các giải pháp nhỏ và rời rạc sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi về mặt kinh tế. Do đó, các thành phố này cần thực hiện các giải pháp giảm phát thải ở quy mô lớn.

Liên quan đến phát triển xanh của TPHCM, báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của Nhóm công tác chung giữa TPHCM và World Bank cho biết, tính đến tháng 11-2023, nhóm đã có 21 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật. Đồng thời, TPHCM cũng lên nhiều kế hoạch chuyển đổi trong thời gian tới. Trong đó có 9 nhóm lĩnh vực được hỗ trợ là Chuyển đổi số, PPP, phát triển carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phân cấp nguồn thu, quản lý ngập đô thị, Thành phố Thủ Đức và giao thông đô thị (TOD).

Chủ tịch TPHCM cũng nói thêm, thành phố chọn giới thiệu hai dự án này đầu tiên vì có nhiều điểm mới với Việt Nam và mang tính liên ngành. Ngoài ra, Thành phố cũng quan tâm đến các trụ cột khác bao gồm chuyển đổi phương tiên giao thông, phát triển các tòa nhà xanh, điện áp mái, chuyển đổi năng lượng, xây dựng Cần Giờ, tín chỉ carbon. Ông Mãi cũng nhấn mạnh, thành phố chọn lĩnh vực đi trước, ưu tiên thực hiện có kết quả.

Động lực thay đổi từ Nghị quyết 98

Hiện TPHCM có thuận lợi là Nghị quyết 98 của Quốc hội thông qua vào năm ngoái, cho phép thành phố xây dựng cơ chế riêng nhằm thu hút đầu tư hướng đến tăng trưởng xanh, với khoảng với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau. Các nội dung liên quan tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được chia đều trong các lĩnh vực gồm vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Một trong số những ưu đãi được đại diện Sở kế hoạch đầu tư nhắc đến là khả năng ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang năng lượng sạc, phát triển phương tiện giao thông công cộng. Hay một câu chuyện khác là TPHCM được giữ lại 100% nguồn thu từ tín chỉ carbon.

Nhân dịp này, TPHCM kêu gọi đầu tư 28 dự án hướng đến tăng trưởng xanh trong tương lai, trong đó nhấn mạnh đến dự án quản lý ngập ở Thành phố Thủ Đức và dự án xây dựng Độ thị carbon thấp. Ảnh: Đỗ Ân

Về dự thảo Khung chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xanh TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nói dự thảo đang trình đề xuất 6 nhóm chính sách giải pháp về nguồn lực, kết nối và hợp tác xanh, giải pháp tài nguyên, giải pháp hành vi (tiêu dùng xanh, giao thông xanh), tòa nhà xanh và hiệu quả năng lượng, và nhóm giải pháp kinh tế trọng tâm.

Trong đó, ông Vũ nói thêm các hướng đi cụ thể trong thời gian tới sẽ tập trung vào câu chuyện cụ thể hơn, bao gồm điện áp mái; thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch; thị trường carbon; kiểm soát khí thải phương tiện giao thông; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lực sạch; thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Đánh giá về Nghị quyết 98, ông Mãi nói đã có kết quả rõ ràng hơn sau 6 tháng chính thức triển khai, thậm chí lớn hơn nhiều lần so với thực hiện Nghị quyết 54.

Lãnh đạo TPHCM cũng xác định hướng tiếp cận của thành phố mang tính chất đa ngành, toàn thành phố chứ không phải chỉ riêng một sở ngành nào có thể giải quyết được vấn đề lớn này. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tập trung xác định nguồn lực (gồm nhân lực, vật lực),  công nghệ và giải pháp, cơ chế để huy động tổng lực, đặc biệt sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Lãnh đạo thành phố nói thêm sẽ tiếp thu kết quả, xây dựng Nghị quyết 98 từ nhiều gợi ý tại hội nghị và sẽ xây dựng đề án, trình cơ quan thẩm quyền cơ chế cụ thể hơn. “Chúng tôi sẽ cập nhật, rà soát vào điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố sắp trình phê duyệt đầu năm 2024, hoàn thiện khung chính sách tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để cập nhật mục tiêu và nhiệm vụ theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”, ông Mãi nói.

Dũng Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chỉ 10% người tiêu dùng thực hiện tuyên bố của họ...

0
(SGTT) - Có 72% người tiêu dùng Việt được khảo sát nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường,...

Ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 45,62 triệu tấn CO2...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định số 1191/QĐ-BGTVT về kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà...

Techcombank ra mắt thẻ giúp người dùng theo dõi lượng khí...

0
(SGTT) - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt thẻ thanh toán Visa Eco, chiếc thẻ giúp người dùng theo...

Giá cao vẫn là rào cản lớn với sản phẩm xanh

0
(SGTT) - Bên cạnh giá cao thì độ phủ hạn chế được xem là rào cản lớn đối với người tiêu dùng hiện nay...

Chỉ 7% cửa hàng xăng dầu cung cấp nhiên liệu chuẩn...

0
(SGTT) - Bên cạnh việc chuyển đổi xe điện hóa, sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn có hàm lượng thấp các chất gây ô...

Luật Điện lực sửa đổi hướng tới mục tiêu giảm phát...

0
(SGTT) - Để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng và thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, dự...

Kết nối