Nguyễn Tịnh Thạch -
Sự uất hiện vài năm gần đây của dòng sách hoài niệm đô thị Sài Gòn đã kéo ra ánh sáng nhiều chân dung từ lâu ẩn dật. Trong số đó, có ông Đinh Tiến Mậu, nhà nhiếp ảnh có bộ sưu tập đồ sộ hình ảnh những nhan sắc Sài Gòn trước năm 1975.
Nhà nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu. Ảnh: Nguyễn Tịnh Thạch
Buổi gặp gỡ ông Đinh Tiến Mậu do Công ty Văn hóa Phương Nam tổ chức gần đây thu hút nhiều người trẻ tìm đến, hỏi chuyện. Nhỏ nhẹ, kiệm lời và đôi mắt toát lên vẻ tinh anh ở độ tuổi bát tuần, ông Mậu chia sẻ những năm tháng tuổi trẻ ở Sài Gòn khi ảnh viện Viễn Kính của ông được nhiều nghệ sĩ trẻ, thời danh tìm đến. “Họ đến với tôi thuần túy vì công việc. Chúng tôi đối đãi lịch thiệp với nhau, không có điều gì đặc biệt giữa người chụp ảnh và các người đẹp”, ông tủm tỉm cười khi có người trẻ hỏi liệu tiếp xúc với quá nhiều người đẹp một thời như thế, liệu có bị… bà xã ghen?
Ca sĩ Diễm Thúy. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu cung cấp
Nhà báo Phạm Công Luận, người đã giới thiệu lại ông Mậu một cách khá đầy đủ trong bộ sách Sài Gòn, chuyện đời của phố cũng nói rằng, đời sống ông Mậu những năm tuổi già khá lặng lẽ trong ngôi nhà trước kia là tiệm ảnh Viễn Kính. “Vài năm trước, tôi tìm đến ông vì ngưỡng mộ những bức ảnh tư liệu nhân vật minh tinh, tài tử một thời. Cũng phải mất một thời gian thì ông cởi mở chia sẻ chuyện đời, chuyện ảnh. Ông cũng tin tưởng giao cho tôi những hình ảnh cũ để sử dụng trong sách. Tôi bất ngờ khi biết ông vẫn còn lưu giữ hàng ngàn hình ảnh chụp Sài Gòn xưa cùng những nhân vật tài danh một thời”, ông Luận nói.
Những câu trả lời của ông Đinh Tiến Mậu thường ngắn, tế nhị. Ông thích kể về chiếc máy ảnh, kỹ thuật buồng tối, những mối quan hệ đẹp trong đời sống hơn kể về hào quang cho mình hay cái thời mình đã sống qua. Có thể nhận thấy ở ông, một truyền nhân xuất sắc của nghề ảnh làng Lai Xá (Hà Đông) giữa đất Sài Gòn, thấy những bức ảnh vương màu thời gian là một sự lặng lẽ lưu giữ ký ức, sự bình thản trước những thăng trầm thời cuộc.
“Tôi nhìn vào đôi mắt của họ, nắm bắt thần thái và đặc thù từng gương mặt để biết cách thể hiện ánh sáng sao cho cái đẹp được thể hiện tự nhiên, sống động nhất”, ông nói về nghệ thuật đặc tả chân dung trong nhiếp ảnh như một nghệ nhân tỉ mỉ hơn là một nghệ sĩ.
Trên bức tường tiệm cà phê sách, những nhan sắc một thời: Hà Thanh, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga, Diễm Thúy, Thanh Lan… như đủ sức làm kéo người xem trở về với thời hoàng kim của một đô thị ngày dĩ vãng. Nhiếp ảnh đã làm được một điều lạ lùng, đó không chỉ là lưu giữ những hình ảnh của bề mặt mà quan trọng hơn, giữ lại một ký ức.
Trong thời buổi mà thế giới nghệ thuật nhiếp ảnh chộn rộn, lệ thuộc vào công nghệ, ông Mậu nhỏ nhẹ khiêm cung nói rằng ông không biết về máy kỹ thuật số. Ông chấp nhận giữ sự an nhiên để ngồi lại với những hệ giá trị thời đại của mình, giữ một khoảng cách cần thiết với thế giới chung quanh. Và thời mà ai cũng có thể chụp ảnh, hình ảnh trở nên thừa thãi rẻ rúng, những bức ảnh hiếm trong bộ sưu tập của ông Mậu không chỉ kể với người xem về một hành trình sự nghiệp mà còn trình bày một quan niệm về nhiếp ảnh sâu sắc là chống lại sự phai tàn và lãng quên trong cuộc sống.