(SGTT) - Ngày 12-1-2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 75, công nhận Nghệ thuật chế biến món chay của Tây Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
- Cùng 10 nghệ nhân ẩm thực tôn vinh “Tinh hoa ẩm thực Việt”
- Bản đồ ẩm thực: Mát lòng bánh ướt An Lạc đất Quảng Trị
Tây Ninh đã có hơn 180 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình khẩn hoang, ẩm thực Tây Ninh, trong đó có ẩm thực chay cũng dần hình thành và trở thành một trong những nét đặc trưng của văn hoá Tây Ninh, thu hút du khách, nhất là trong những ngày xuân.
Theo “Ðịa chí Tây Ninh”, cư dân Tây Ninh xưa đa số là tín đồ đạo Phật, đạo Cao Ðài nên người ăn chay khá đông. Trước đây, vào những “ngày chay” (thập trai: ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 âm lịch), chợ Long Hoa hầu như chỉ bán thức ăn chay.
Ẩm thực chay Tây Ninh không chỉ đa dạng về số lượng, và chất lượng cũng ngon không kém so với các món được chế biến từ thịt cá. Phần dinh dưỡng của ẩm thực chay Tây Ninh rất tốt trong khi khâu trang trí lại vô cùng ấn tượng.
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa thuần chay bản địa, nên ngày 12-1-2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 75, công nhận Nghệ thuật chế biến món chay của Tây Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Món chay Tây Ninh tươi tắn nhiều sắc màu và đa dạng về nguyên liệu thể hiện sự trù phú, giàu có của vùng đất thánh; hương vị đậm đà thể hiện sự phóng khoáng, chân tình, hiếu khách của người Nam Bộ; cũng không thiếu sự tinh tế, tỉ mỉ ở những món sang trọng như cơm hạt sen, lẩu mắm chay, chả giò chay, bì bún chay, món nướng lá lốt, bắp cải cuộn, gỏi thập cẩm chay, cà ri chay…
Đinh Nam