B.U -
Sài Gòn đang vào mùa mưa. Những cơn mưa dai dẳng như ở miền Trung làm tôi nhớ đến món bánh tráng cá cơm, món ăn vặt bình dân mà các bà mẹ ở quê vẫn hay làm.
Bánh tráng cá cơm xuất hiện ở quê tôi, một xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi, gần 10 năm trở lại đây. Không ai biết người khai sinh ra món ăn dân dã này nhưng cũng không mấy khó hiểu sự ra đời của nó. Bánh tráng, cá cơm là hai loại thực phẩm quen thuộc và bình dân ở quê tôi. Có lẽ, vào một hôm biển nhàn, một sự tình cờ nào đó, người dân địa phương đã hợp hai món ấy lại với nhau, tạo ra món đặc sản mới. Rồi như một thói quen, ngày nắng ráo mỗi khi được mùa cá cơm, người quê tôi lại để dành hẳn một rổ cá cơm chừng 1-2 kg ra làm bánh. Đó không phải là món ăn truyền thống có từ xa xưa nhưng ai đã ăn một lần sẽ khó quên.
Những con cá cơm nhỏ hơn ngón tay người lớn, vậy mà các bà mẹ quê vẫn cần mẫn tách thân cá ra làm hai, bóc bỏ xương và đầu từng con một.
Bọn con nít rảnh rỗi thì được phân công bóc tỏi rồi mang giã chung với thật nhiều ớt. Đoạn cho tất cả vào nồi cá cơm đã làm sạch, thêm một chút bột nêm, mắm tùy khẩu vị từng nhà rồi trộn đều lên. Dân xứ biển ăn cay, một ký cá cơm mà ướp với chục trái ớt đỏ cũng không ăn thua gì nên thường sẽ cho thêm ớt băm nhỏ đã xào qua với dầu vào. Tỏi ướp cá ở đây phải là tỏi trồng trên đảo Lý Sơn, cách xã tôi chừng 40 phút đi tàu. Có lẽ do ăn quen loại tỏi này từ bao đời nay hoặc cũng vì độ thơm ngon đặc trưng của nó mà dù đó là món cá thuộc hàng thượng phẩm như cá cu, cá bè hay các loại cá bình dân như cá cơm, cá nục, dân quê tôi vẫn dùng loại tỏi Lý Sơn chế biến.
Ướp chừng một giờ đồng hồ, gia vị thấm vào từng miếng cá át cả mùi tanh. Lúc này mới đem bánh tráng ra xếp từng miếng cá lên kín cả một mặt bánh rồi mang phơi ngoài nắng. Sau hai đến ba nắng, cá khô lại, dính chặt vào trong bánh đoạn đem cất vào ngăn mát tủ lạnh để dành dùng dần.
Những hôm đói bụng, thèm thức ăn vặt hay chỉ đơn giản là muốn ấm lòng ngày mưa bão, người quê tôi lại mang bánh ra nướng trên than hồng hoặc chiên với dầu phụng cho cả nhà dùng. Cái dai của cá, giòn của bánh tráng, thơm của tỏi, béo của mè trong bánh hòa quyện với nhau. Chấm miếng bánh nóng hổi với tương ớt, cắn một miếng giòn tan, vừa hít hà vị cay của ớt vừa nghe người thân kể chuyện về những loài cá, về những chuyến đi biển ở khơi xa, bấy nhiêu thôi nhưng khó lòng quên được. Để rồi, giữa những ngày mưa gió, tôi chỉ muốn về quê, nhâm nhi miếng bánh tráng cá cơm cay giòn, bỏ mặc phố thị huyên náo, bộn bề.