Từ ngày 21-9 năm nay, sau khi đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai dài 245 km được đưa vào khai thác đã rút ngắn một nửa thời gian hành trình đưa du khách đến một số tỉnh Tây Bắc so với trước đây. Cuối tháng 9, chúng tôi khoác ba lô lên đường, theo tour mới nhất của Lữ hành Saigontourist, đi du lịch kết hợp làm từ thiện tặng 120 chăn ấm cho các học sinh nghèo vùng cao, trước mùa đông giá lạnh về.
Trong hai ngày đầu tiên, chúng tôi đã tham quan hầu hết các tuyến điểm nổi tiếng Sa Pa, Lào Cai. Sáng ngày thứ ba, từ thị trấn Sa Pa xe chúng tôi chạy về Mù Cang Chải, Yên Bái để ngắm mùa lúa vàng. Lộ trình khoảng 200 km, theo quốc lộ 4D hướng Lào Cai-Lai Châu-Yên Bái. Cung đường này đi qua hai trong bốn đèo nổi tiếng nhất khu vực phía Bắc là Ô Quy Hồ và Khau Phạ (cùng với Mã Pí Lèng và Pha Đin).
Qua đèo hiểm trở, ngắm thung lũng vàng
Đèo Ô Quy Hồ có chiều dài khoảng 60 km, với độ cao 2.000 m so với mực nước biển, nằm giáp ranh giữa huyện Sa Pa, Bát Xát tỉnh Lào Cai và huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu, được đánh giá là vua của các đỉnh đèo, vì sự hiểm trở, hùng vĩ và không kém phần thơ mộng. Cung đường được đầu tư khá tốt. Du khách khi ngang qua nơi đây, hầu như ai cũng dừng chân trên cổng trời, phóng tầm mắt nhìn con đường ngoằn ngoèo ôm vách núi, ẩn trong mây, sương mù lãng đãng. Chúng tôi lưu lại vài bức hình kỷ niệm cho một chuyến đi.
Đỉnh đèo Khau Phạ, chúng tôi chạm chân đến khi ánh mặt trời chưa tắt. Hoàng hôn vương ánh vàng của mùa lúa chín nơi thung lũng, cùng những ngọn khói lam chiều ít nhiều khơi gợi lòng lữ khách nỗi niềm khó tả về cảnh đẹp quê hương.
Đèo Khau Phạ có chiều dài khoảng 28 km, đỉnh cao nhất là Púng Luông 2.950 m, một bên là xã Tú Lệ huyện Văn Chấn, một bên xã Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải, đều thuộc tỉnh Yên Bái. Anh Nguyễn Trung Hiếu, hướng dẫn viên tour, có trên mười năm chinh phục các ngõ ngách vùng Tây-Đông Bắc, cho rằng cảnh đẹp nhất của đèo nằm ở thung lũng vàng, nơi giáp giữa vùng đất của bản Chao và bản Nậm xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn và các bản Pú Sủm, bản Lìm (gồm có Lìm Thái và Lìm Mông) của xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. Quả thực, một bức tranh tuyệt đẹp như được thiên nhiên vẽ ra, với hoàng hôn bảng lảng trên thung lũng, bên dưới là những ruộng lúa chín vàng, thấp thoáng những bản người Mông, người Thái lặng lẽ.
Thời tiết cuối tháng 9 năm nay, Mù Cang Chải thật đẹp với ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín vàng. Anh bạn chạy xe ôm người Mông cho biết, một số thửa bà con phải thu hoạch sớm hơn dự kiến cách đây vài hôm, do ảnh hưởng hai cơn bão vừa rồi.
Vẻ nguyên sơ níu chân khách
Mùa lúa chín vàng Mù Cang Chải rơi vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm, nhưng có quá ít du khách. Sản phẩm này cũng chỉ là mùa vụ thuần túy của đồng bào người Mông, cho dù ruộng bậc thang nơi đây được phong danh thắng quốc gia, và ngay cả thời điểm chúng tôi ghé đến nằm trong “Tuần Văn hoá và Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2014” từ ngày 25 đến 30-9.
Có nhiều lý do để Mù Cang Chải chưa hấp dẫn khách, ngay cả sản phẩm mùa thu lúa vàng. Từ trước đến nay, Yên Bái chỉ thu hút khách du lịch nội địa, cũng không nhiều, chỉ đến tham quan hồ Thác Bạc vào mùa hè. Thay vì du lịch Yên Bái, du khách sẽ chạy thẳng lên Sa Pa, tuyến điểm nổi tiếng ngay bên cạnh, với nhiều lựa chọn về khí hậu, cảnh quan, ẩm thực, văn hóa bản địa…
Ruộng bậc thang Yên Bái có diện tích rất lớn, trên 2.500 ha, có ba xã trong huyện sở hữu những thắng cảnh bậc thang gồm La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha với diện tích khoảng 330 ha, trong đó riêng La Pán Tẩn chiếm diện tích 148 ha...
Dế Su Phình và Chế Cu Nha nằm rải rác trên cung đường từ Mù Cang Chải chạy vào, dễ đi hơn dành cho khách. Nhưng đa phần khách săn ảnh, muốn khám phá vẻ đẹp lộng lẫy và không gian rộng thoáng thì chọn La Pán Tẩn. Để tham quan La Pán Tẩn, hiện nay chưa xây đường cho xe ô tô trên 12 chỗ vào được, có nhiều đoạn dốc nhỏ khá cao nên thường du khách muốn vào đây phải thuê xe ôm từ đầu thị trấn.
Về cơ sở hạ tầng và sản phẩm, dịch vụ dành cho du khách tại Mù Cang Chải còn rất thiếu, yếu và ở mức bình dân. Mấy năm trước, du khách đến đây chỉ có thể thuê nhà nghỉ của huyện ủy. Nay nhà nghỉ đổi tên thành Suối Mơ, với 21 phòng, trong đó có 4 phòng VIP có... máy lạnh, 17 phòng còn lại gắn quạt máy, giá 300.000-600.000 đồng/phòng, tùy thời vụ. Ngoài ra, còn có khoảng 10 nhà nghỉ khác, quy mô nhỏ, giá 200.000-500.000 đồng/phòng.
Nói chung, du lịch ở đây không thể đòi hỏi những gì cao hơn, sang hơn, chuyên nghiệp hơn được. Đời sống kinh tế, dân trí trong vùng vốn dĩ thế! Mà không nhất thiết phải đòi hỏi cao hơn, phải khác với cuộc sống hiện tại. Có khi, để người Mông Mù Cang Chải giữ được đời sống văn hóa bản địa độc đáo của họ, trong đó, giữ vẻ đẹp và sự khác biệt của trồng lúa nước trên những dãy đồi, tự nhiên tạo nên bức tranh thu mê mẩn lữ khách phương xa.
Tiến Đạt