Nhằm quảng bá hình ảnh cà phê của Việt Nam ra thế giới, Nestlé Việt Nam vừa tổ chức chuyến đi dành cho báo chí quốc tế đến các vườn cà phê canh tác theo mô hình bền vững NESCAFÉ Plan, nhà máy chế biến cà phê, và tìm hiểu văn hóa thưởng thức cà phê tại một số địa phương.
- Nestlé Việt Nam cùng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thúc đẩy du lịch ẩm thực
- Nestlé đặt mục tiêu trồng 200 triệu cây trên toàn cầu đến năm 2030
Gần 30 đại biểu đại diện công ty Nestlé tại nhiều quốc gia cùng các phóng viên, biên tập viên của cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài như Bloomberg, CNBC, Business Day, SIC Television… đã tham gia chuyến đi trong ba ngày.
Trong chuyến đi thực tế, các phóng viên lần lượt trải nghiệm quá trình những hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao được hình thành từ vườn ươm, đến tay người nông dân qua chương trình hỗ trợ tái canh, canh tác bền vững cây cà phê và tham quan nhà máy chế biến cà phê công nghệ hiện đại.
Từ năm 2011 đến nay, công ty Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ hàng trăm ngàn nông dân tái canh cây cà phê già cỗi, chuyển dịch sang nông nghiệp tái sinh, nâng cao thu nhập; đồng thời kết hợp các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, nhằm tạo ra nhiều giá trị cho hạt cà phê Việt.
Sau 12 năm, thông qua chương trình NESCAFÉ Plan được thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, Nestlé Việt Nam đã phân phối hơn 74,3 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao sử dụng cho mục đích tái canh. Cùng với dự án, người nông dân đã giảm tới 40% - 60% lượng nước tưới, giảm 20% lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học và áp dụng kĩ thuật trồng xen canh cây cà phê và tiêu, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, cải thiện tính đa dạng về môi trường sinh thái, và giảm phát thải ra môi trường.
Nhờ áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, thu nhập của người nông dân được cải thiện từ 30% đến 100% so với trước khi tham gia dự án. Đồng thời, tất cả cà phê được cung ứng từ Việt Nam đạt các tiêu chuẩn 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng về canh tác cà phê bền vững dựa trên một loạt các tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội) để chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 29 thị trường.
Bên cạnh việc tìm hiểu các nỗ lực canh tác bền vững tại các vườn cà phê, đoàn được giới thiệu về các sáng kiến bền vững thiết thực của Nestlé trong hoạt động sản xuất như các mô hình kinh tế tuần hoàn, quy trình xử lý, tái chế và tái sử dụng các chất thải từ sản xuất. Trung bình 60-65% tổng lượng nước thải/năm tại nhà máy chế biến cà phê đã được xử lý để tái sử dụng.
Ngoài ra, 100% bã cà phê sau sản xuất được dùng làm năng lượng sinh khối. Cát thải trong lò hơi được cung cấp cho đối tác để làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung. Từ năm 2015, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu không phát thải chôn lấp ra môi trường.
Đăng Huy