(SGTTO) - Chỉ cách TPHCM chừng 50 cây số, điều làm tôi ngạc nhiên là thị xã này… nhất định không chịu hiện đại. Nhịp sống ở Gò Công ngày ngày trôi qua êm đềm, mang đến cho du khách sự thư thái khi ghé thăm.
Dạo quanh thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang một ngày bằng xe máy xuất phát từ TPHCM, tôi cảm thấy khung cảnh ở đây như còn ở thế kỷ trước. Chỉ cần một ngày sáng đi chiều về, hoặc có thời gian ở lại một đêm là ta có thể tham quan hầu hết các địa điểm nơi thị trấn yên bình này.
Nhiều di sản xưa cũ
Từ khi có cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ, thời gian từ Sài Gòn xuống đến Gò Công chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ vì không phải chờ đợi đò phà như trước.
Xét về ví trí địa lý, Gò Công nằm ở “hẻm cụt” vì không nằm trên trục quốc lộ 1, cuối “con hẻm” đó lại là biển Tân Thành, nơi không có nhiều sự hấp dẫn về mặt du lịch nên hầu như không được du khách chú ý.
Tôi trộm nghĩ như vậy cũng tốt, nhờ đó mà Gò Công còn giữ nguyên nhiều di sản xưa cũ mà ít nơi nào có được.
Gò Công ngày xưa là một cái tên lừng lẫy. Nó từng là một tỉnh riêng, tỉnh Gò Công, lập vào năm 1900. Sang thời Pháp thuộc, năm 1864 có hạt Thanh tra Tân Hòa đặt tại đây.
Vùng đất này còn nổi tiếng là một trong hai “miền gái đẹp” của miền Nam, vùng còn lại là Nha Mân ở Đồng Tháp. Gò Công là quê nhà của thái hậu Từ Dũ và Nam Phương hoàng hậu. Từ những năm 1930, Gò Công đã tổ chức thi hoa hậu với cái tên Hội thi đấu sắc đẹp.
Đời sống ở Gò Công có thể nói rằng khá sôi động vào thời Pháp. Cho đến bây giờ, nơi đây vẫn tồn tại nhiều dinh thự, nhà thờ, những ngôi nhà cổ - những công trình kiến trúc cả trăm năm tuổi. Nhiều bộ phim kinh dị, phim có bối cảnh xưa thường được quay ở Gò Công như Cô hầu gái, Nợ đời, Con nhà nghèo, Cay đắng mùi đời, Lòng dạ đàn bà, Đất mặn, Ngày mai Mai cưới…
Diện tích Gò Công không lớn lắm nhưng nhiều đình, chùa, di tích nằm gần nhau nên du khách có thể gửi xe rồi đi bộ một lèo khám phá. Đó là đình Trung, lăng Hoàng Gia, dinh Tỉnh trưởng, nhà Đốc phủ Hải, lăng Trương Định, lăng Võ Tánh, đình cổ Tân Đông, Văn Thánh miếu, đình Cầu Tàu, nhà thờ Thánh Tâm, lăng Ông, miếu Bà...
Khung cảnh yên bình
Mỗi công trình ở Gò Công mang nét cổ xưa khác nhau, hài hòa với khung cảnh yên bình của thị xã. Đi dạo những nơi này, bạn còn dễ dàng có được những bức ảnh kỷ niệm mang nét hoài cổ.
Sau khi khám phá các công trình, bạn cũng có thể thả hồn bên ly cà phê sữa đá nơi góc đường, chuyện trò với những người bạn trong nhóm hoặc đơn giản là ngồi yên cảm nhận nhịp sống nơi đây.
Về phần ẩm thực Gò Công, món được ưa chuộng nhất nơi này đương nhiên là hủ tiếu. Món này có khắp các ngả đường ở Gò Công, muốn ăn lúc nào cũng được. Có nhiều quán ngon với giá “mềm”, chỉ từ 20.000 đồng/tô, phần rau thì xanh ngon khỏi chê.
Cơm tấm ở xứ này cũng là một món ăn phổ biến với mức giá tương tự hủ tiếu. Nhưng có một món lạ mà ngon miệng, hầu như chỉ thấy bán ở Gò Công là bánh giá hoặc bánh vá tùy cách gọi.
Bánh giá làm từ bột gạo chiên vàng, cho một ít tôm tươi, thịt heo, giá đỗ, nấm... Quán mà tôi ăn, người bán thường bán chung bánh giá với bánh ướt, nước mắm tỏi ớt. Điều thú vị là dù tẩm bột nhưng giá đỗ bên trong vẫn còn giòn và tươi, ăn có vị lạ và ngon béo ngất ngây.
Dạo quanh Gò Công và về lại Sài Gòn lúc chiều muộn, bao mệt mỏi nơi phố thị tan biến, chỉ còn đọng lại trong tôi những khung cảnh xưa cũ hoài niệm…
Cuối tuần, nếu chỉ rảnh rỗi một ngày, bạn cũng có thể chạy xe máy xuống Gò Công một mình hoặc cùng bạn bè, dạo một vòng thăm đình chùa lăng tẩm, ăn vài ba món ngon, ngồi cà phê nhà cổ, là đủ cho một chuyến rong chơi. Bạn nên xuất phát từ sáng sớm để đến nơi lúc trời mát mẻ, ánh sáng đẹp thích hợp chụp ảnh và đi dạo. Trang phục cần thoải mái, mang giày êm chân để tiện đi bộ loanh quanh.
Chí Hào