(SGTTO) - Đến hẹn lại lên, cứ tầm tháng 7 Âm lịch, khi mùa nước nổi tràn về thì nhành điên điển lại vươn mình lớn lên trổ những chùm bông vàng rực rỡ.

Mùa nước nổi năm nay con nước nhỏ, nhiều loài đặc sản như cá linh, bông súng… theo đó cũng không nhiều, nhưng điên điển vẫn trổ bông rực rỡ khắp các triền đê. Hằng năm, đến mùa điên điển trổ bông, người dân miền Tây thường mang rổ, giỏ đi hái bông. Hái bông tuy không vất vả nhưng lại tốn nhiều thời gian, trung bình một giờ đồng hồ, một người hái chưa được một ký bông. Nhưng, vì hương vị khó quên của các món ăn từ bông điên điển mà người miền Tây luôn dành thời gian đi hái để bữa cơm gia đình thêm ngon.
Theo người dân, bông điên điển thường được hái vào buổi chiều, vì lúc này bông sẽ ngon hơn. Và khi ăn chúng ta nên chọn bông nở thì sẽ ngon hơn, ngọt hơn. Loài rau sạch với màu vàng đẹp mắt này được sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn ngon, mang hương vị đặc trưng chỉ ở miền Tây mới có.
Canh chua là món ăn quen thuộc, có thể nấu chung với nhiều loại rau, nhưng điên điển nấu canh chua thì lại cho mùi vị hoàn toàn khác. Món ăn này chế biến rất đơn giản: sau khi cho các gia vị vào nồi canh chua, nêm nếm xong, chúng ta mới thả bông điên điển vào sau cùng và bắt nồi xuống khỏi bếp. Lý do là bông điên điển không được nấu quá chín, sẽ mất đi độ giòn và vị ngọt vốn có của nó.

Ngoài canh chua, bông điên điển còn chế được có món ăn khác như: tép xào bông điên điển, gỏi bông điên điển với tôm hay thịt luộc. Bạn có thể cho dầu vào chảo đang nóng, sau đó cho tép vào, đảo đều, nêm thêm chút gia vị vừa ăn, rồi cho hành lá và cuối cùng là bông điên điển vào. Món ăn sẽ thơm hơn với chút tiêu, chỉ có thế là chúng ta có ngay một đĩa tép xào bông điên điển thật hấp dẫn.
Ngoài ăn sống hoặc chế biến món ăn ngon, bông điên điển còn được muối chua. Đây là món ăn khoái khẩu của người miền Tây, bởi nó ngon và hấp dẫn nên trong dân gian lưu truyền câu ca rằng: “Điên điển mà đem muối chua. Ăn kèm cá nướng cả vua cũng thèm”.

Loại bông mộc mạc đơn sơ này còn là ký ức của người miền Tây và là hoài niệm với những người xa quê. Nếu không có điều kiện len lỏi trong các hàng cây điên điển để tận tay hái những chùm bông tươi ngon, thì ngày nay từ chợ quê cho đến thị thành bông điên điển được các tiểu thương bày bán rất nhiều. Cái màu vàng không lẫn vào đâu của bông điên điển trong các buổi chợ đã góp phần mang đến bữa cơm ngon mang đậm tình quê hương và góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân miền Tây sông nước.
Bảo Phương