Các doanh nghiệp có đầu tư dịch vụ thủy nội địa chờ chính quyền Đà Nẵng sớm thực hiện hóa chính sách cho phép tàu du lịch được cập bến tại các điểm đến du lịch ven bờ bán đảo Sơn Trà để khách có thể tắm biển và sử dụng các dịch khác, đón đầu du lịch mở cửa trở lại.
- Du lịch Đà Nẵng đề xuất mở lại spa, massage
- Đà Nẵng: Muốn khôi phục du lịch phải sớm mở lại toàn bộ đường bay
Công ty Đồng Vĩnh Thịnh hiện đang khởi động lại du thuyền mang tên Đà Nẵng Dragon Cruise hoạt động chủ yếu trên sông Hàn và khu vực biển ven bán đáo Sơn Trà. Từ đầu tháng 3 này công ty cũng sẽ cho hoạt động trở lại tàu nhà hàng có công suất lớn mang tên Tàu Rồng Sông Hàn.
Bà Phạm Nhất Nữ Như Hoa, Giám đốc công ty, cho hay công ty đã đóng tàu để tham gia hoạt động không chỉ tại sông Hàn mà còn tại các tuyến ven biển quanh bán đảo Sơn Trà để giúp cho du khách có những trải nghiệm khác nhau khi tham gia dịch vụ thủy nội địa.
“Tuy nhiên, tuyến này [ven biển bán đảo Sơn Trà và giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế] chính sách chưa theo kịp sự phát triển. Chính quyền khuyến khích đóng tàu nhưng chưa cho triển khai các hoạt động cho khách chơi trên biển. Khách đến các bãi biển nhưng không được xuống nước, chỉ được ngồi trên tàu”, bà Hoa nói và chia sẻ thêm công ty đã tìm nhiều hướng để gỡ thế khó như thuê mặt nước hoặc đầu tư điểm đến ở Hòn Chảo, Đảo Ngọc hoặc Sủng Cỏ – những bãi biển ven bán đảo Sơn Trà – nhưng vẫn đang vướng việc địa giới với Thừa Thiên Huế đang bỏ ngỏ từ khi bùng phát dịch.
Theo bà Hoa, công ty cũng xin phép đầu tư điểm đến tại khu Bãi cát vàng (gần hơn hai khu vực kia) nhưng lại vướng lý do quân sự.
Có đồng quan điểm, đại diện của công ty Danang Bay Discovery – chủ đầu tư một tàu du lịch có sức chứa 35 chỗ ngồi tại Đà Nẵng và một tàu khác đang chạy tuyến từ Hội An ra Cù Lao Chàm – cho hay những ngày qua công ty cũng tìm hiểu lại chính sách thủy nội địa của Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu của khách nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Việc chỉ cho khách ngồi trên tàu tham quan, không cho xuống nước tắm biển hay lên bờ tại các bãi nói trên sẽ khiến khách cảm thấy không thú vị với tuyến này mà còn bỏ phí một sản phẩm du lịch tiềm năng.
Trả lời KTSG Online vấn đề này sáng nay, 21-2, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay đã giao cho Sở Du lịch phối hợp với các bên liên quan rà soát lại chính sách phát thủy nội địa và báo cáo với thành phố để có chủ trương chung phát triển dịch vụ này.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng, đơn vị này đang phối hợp với các bên liên quan thực hiện rà soát lại dịch vụ thủy nội địa để báo cáo với thành phố dựa theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn tại buổi kiểm tra thực tế và họp về tình hình đầu tư, công bố bến thuỷ nội địa CT15 tại bán đảo Sơn Trà [chân núi Sơn Trà].
Theo đó, UBND quận Sơn Trà phối hợp Sở Du lịch nghiên cứu xây dựng phương án thí điểm cho phép hoạt động tạm các điểm đến du lịch ven bờ bán đảo Sơn Trà, bảo đảm các điều kiện về hoạt động du lịch hấp dẫn, chất lượng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan và hệ sinh thái ở khu vực. Quận Sơn Trà rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các điểm du lịch tự phát và tình hình nuôi trồng thủy sản ở khu vực; nghiên cứu giải pháp quản lý đối với các điểm du lịch tự phát ven bờ theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng giao Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, khai thác bến thuỷ nội địa tại Trạm Biên phòng CT15 và hoạt động vận tải du lịch khu vực Bán đảo Sơn Trà đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật
“Chúng ta cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển như nhau, tránh để các phương tiện thô sơ hoạt động trót lọt và sự không đồng nhất trong công tác quản lý các hoạt động vui chơi trên biển, dẫn đến hiện tại chúng ta có biển mà chưa có thương hiệu nào hiệu quả trong vui chơi trên biển”, bà Như Hoa chia sẻ.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, tháng 11-2021, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu rà soát quy hoạch, đầu tư các bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố, giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại nhu cầu, lượng khách du lịch và định hướng phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố theo từng tuyến du lịch, làm cơ sở xác định quy mô cỡ tàu, quy mô bến thủy nội địa, đồng thời có đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư các tuyến du lịch đường thủy và các bến thủy nội địa để phân kỳ đầu tư cho phù hợp.
Được biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã phê duyệt đầu tư 39 bến thủy nội địa trên địa bàn. Ban quản lý dự án đã đầu tư xây dựng 5 bến thủy trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà; còn lại 34 bến chưa được đầu tư xây dựng.
Nhân Tâm
Theo KTSG Online