(SGTT) - Được xem là đặc sản vùng biển Phan Thiết, lẩu thả nơi đây hấp dẫn người ăn không chỉ bởi vị giác mà còn là thị giác bắt mắt.
- Ngồi tại nhà thưởng thức món ăn tinh tế của người Thái Nguyên
- Ôm trọn Bến Tre vào lòng với cơm trái dừa hấp
- “Du lịch” tại nhà với bún quậy Phú Quốc
Theo người dân địa phương, lẩu thả đã có từ rất lâu, khi mà du lịch ở Mũi Né, Phan Thiết chưa phát triển như bây giờ. Người dân sau đánh bắt thường để sản vật thu hoạch được vào một xô sắt, đổ nước và chế biến thành lẩu. Ngày nay, món lẩu này còn xuất hiện ở những nhà hàng sang trọng để phục vụ du khách.
Cách trang trí, mùi vị của món ăn bắt nguồn từ triết lý ngũ hành âm dương: kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Cụ thể, ứng với năm màu sắc trên món ăn là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng cùng ngũ vị gồm cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Những yếu tố này trong món ăn được tin sẽ mang lại sức khỏe và năng lượng cần thiết cho con người.
Có hai cách ăn lẩu thả. Cách thứ nhất là ăn khô: thực khách cho bún cùng các nguyên liệu vào tô, rồi cho nước sốt vào trộn đều. Cách ăn thứ hai là ăn nước: thực khách chan nước dùng lẩu đang được đun nóng trên bếp than hồng. Nước dùng làm từ tôm, cà chua, hành tây để tạo vị ngọt thanh tự nhiên.
Để tạo nên nồi lẩu thả ngon đúng chuẩn, cần chú ý chuẩn bị cả nước dùng và các nguyên liệu đi kèm. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu đến bạn đọc công thức làm món lẩu này do chị Thu Hằng, thành viên nhóm Ăn ngon nấu khéo gửi đến.
Nguyên liệu (khẩu phần 5 người ăn)
- 200g cá mai
- 200g thịt ba rọi
- 100g thịt bò
- 200g mực ống
- 300g tôm sú
- 3 quả trứng gà
- 2 quả cà chua chín
- 1 củ hành tây
- 1 củ tỏi băm nhỏ
- 5ml nước gừng già
- Nước cốt me
- 1 trái ớt băm nhỏ
- 50g đậu phộng rang
- 2/3 trái chuối sứ
- 1kg bún tươi
- 200g rau sống (gồm: Xà lách, tía tô, diếp cá, dưa leo, xoài, giá…)
- Gia vị: Dầu ăn, sa tế tôm, nước mắm, hạt nêm,…
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Rửa sạch 2 quả cà chua, 1 củ hành tây rồi thái hạt lựu. Làm sạch tôm sú, loại bỏ đường chỉ đen trên lưng, tách riêng phần đầu, bóc vỏ phần thân. Mực làm sạch để nguyên con. Thịt bò rửa sạch, thái mỏng.
Bước 2: Ướp cá mai: Dùng lưỡi dao cắt hai bên thân cá mai, trụng sơ qua với nước nóng. Rửa cá qua với nước cốt chanh pha loãng để khử mùi tanh rồi rửa lại với nước sạch. Cho cá mai vào trong đĩa, ướp cùng tỏi băm, ớt băm nhỏ, nước ép gừng, nước cốt chanh và 2 muỗng nước mắm, trộn đều cho thấm gia vị.
Bước 3: Nấu nước lẩu: Bắc chảo lên bếp, cho thêm 1 ít dầu ăn, phi thơm hành tỏi băm, rồi cho đầu tôm, hành tây, cà chua thái hạt lựu, 1 muỗng cà phê sa tế tôm vào đảo đều, đổ thêm 1 lít nước lọc, đun sôi. Khi nước dùng lẩu sôi, cho tôm, mực vào nấu thêm một lúc và nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Bước 4: Làm nước chấm: Cho 2 muỗng canh nước mắm, 50g đậu phộng rang, 5g ớt băm, 2/3 trái chuối sứ, 2 muỗng canh nước cốt me, 2 muỗng canh nước lọc vào máy, xay nhuyễn. Cho hỗn hợp vừa xay nhuyễn trên vào nồi, bắc lên bếp đun sôi. Khi hỗn hợp sánh đặc tùy ý, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Bước 5: Chuẩn bị các loại nguyên liệu ăn kèm: Chiên trứng vàng rồi cắt thành sợi mỏng. Luộc thịt chín, vớt ra, cho vào tô nước đá lạnh rồi thái thành sợi nhỏ. Nhặt sạch các loại rau ăn kèm, rửa với nước muối pha loãng, thái nhỏ.
Bước 6: Trình bày: Cho các nguyên liệu ăn kèm vào các bẹ bắp chuối và đặt trên mẹt tre. Cho đĩa cá mai vào giữa mẹt tạo hình bông hoa đẹp mắt. Múc nước lẩu ra nồi nhỏ đặt lên bếp gas mini giữa bàn cùng một số nguyên liệu ăn kèm như cá mai, thịt ba rọi, trứng chiên, rau sống, bún tươi và nước chấm. Khi ăn nhúng thịt bò vào rồi múc ra để thịt không bị dai.
Lưu ý: Nên cho thêm một ít nước màu điều vào nước dùng để tạo nên màu sắc bắt mắt, hấp dẫn. Nên chuẩn bị thêm một ít bánh đa ăn kèm để tăng hương vị món ăn. Các nguyên liệu như thịt bò, mực ống, nấm kim châm… có thể cho thêm tùy ý thích không bắt buộc.
Thạc sĩ Lê Trung Thu Hằng