Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Không dễ mua nông sản trực tuyến

Từ nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều của người tiêu dùng, một số công ty đã lập sàn giao dịch thương mại điện tử cho nông sản. Dù việc lập sàn được cho là tầm nhìn dài hạn của các công ty, nhưng thực tế có những rào cản khiến mô hình này chưa thể phát triển mạnh và người tiêu dùng chưa thể mua được những mặt hàng như mong muốn.

Mới nhưng không mới

Tuần rồi, Công ty cổ phần Kết nối Thanh toán Toàn cầu (GPC) ra mắt sàn thương mại điện tử www.gcaeco.vn hay còn biết ở cái tên khác là chợ online nông sản, thực phẩm sạch. Đây là một phần trong hệ sinh thái quốc tế của dự án nông nghiệp sạch của công ty này.

Trên trang chủ gpc.vn, phía công ty cho biết lý do tham gia sàn thương mại điện tử nông sản vì cho rằng việc phát triển thương mại điện tử cho các mặt hàng nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn yếu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chưa tỏ ra mặn mà. Các website hầu hết chỉ có tương tác một chiều với người nông dân, chỉ là nơi nhà nông đăng tin bán sản phẩm chứ chưa tương tác trở lại giữa người mua với nhau hay giữa người mua và trang web rao bán.

Vì vậy khi thành lập sàn giao dịch, GPC sẽ tập trung hơn vào tương tác giữa các bên. Website không chỉ là nơi bán sản phẩm mà còn là chỗ để người nông dân có thêm kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời đó cũng phải là kênh tin cậy để người nông dân có thể tham khảo giá sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác, qua đó tránh được tình trạng bị thương nhân ép giá khi giao dịch.

Công ty sẽ áp dụng công nghệ blockchain để tạo ra hình thức và phương tiện giao dịch thuận lợi, giảm thiểu rủi ro và các chi phí phát sinh khác.

Nhìn chung những gì GPC đưa ra để thực hiện ý tưởng làm sàn giao dịch nông sản không mới vì trong thực tế đã có một số công ty đã làm với cùng mục đích. Cụ thể, cuối tháng 7/2016, dự án trang thương mại điện tử muahangviet.com.vn của một công ty tại TPHCM đã ra đời. Tại buổi họp báo ra mắt, phía công ty cho biết mục đích là kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam chuyên cung cấp thực phẩm chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Thời điểm đó, muahangviet.com.vn đã kết nối với hai vùng nguyên liệu là Lâm Đồng và Cần Thơ. Tuy nhiên, dự án này hiện nay đã tạm dừng hoạt động.

Phí giao hàng là một rào cản

Khác với những mặt hàng như ti vi, điện thoại, thiết bị dùng trong gia đình, nếu người tiêu dùng đặt mua sẽ được vận chuyển miễn phí, còn những mặt hàng có giá trị khoảng 100.000 đồng trở xuống, đa phần người mua là bên chịu phí giao hàng. Đơn cử như trên gcaeco.vn rao bán loại dưa leo Maya nguồn gốc Israel của một trang trại ở Đồng Nai với giá 26.000 đồng/kg. Theo số điện thoại nhận đặt hàng, bên sàn sẽ kết với bên bán là nhà sản xuất, còn việc giao nhận hàng sẽ là bên thứ 3 đảm nhận và phí này sẽ do bên mua trả.

Tính ra, người tiêu dùng muốn mua 1kg dưa leo này thì phí vận chuyển có thể cao hơn giá trị đơn hàng. Thời gian nhận hàng đối với khách hàng đặt hàng ở TPHCM là một ngày sau khi hai bên hoàn tất giao dịch. Với những mặt hàng đóng gói, chi phí cũng không phải thấp.

Ví dụ, một gói cà phê arabica 340 gram do đơn vị bán ở Vũng Tàu đăng trên chợ online này có giá 112.000 đồng, phí giao hàng đến TPHCM là 30.000 đồng, tương đương gần 27% giá trị của đơn hàng. Còn nếu chọn giao hàng trong địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phí giao hàng là 16.500 đồng, tương đương gần 15% giá trị đơn hàng.

Trong khi, để có một kg dưa leo, hay một gói cà phê người tiêu dùng có thể đến một cửa hàng tiện lợi, tạp hoá hay ghé chợ gần nhà là mua được. Điều này phần nào cho thấy chi phí vận chuyển, thời gian chờ đợi giao hàng là điều khiến người tiêu dùng cân nhắc khi mua hàng trên những trang thương mại điện tử nông sản.

Bộ phận phụ trách đơn hàng của gcaeco.vn cho biết nếu khác hàng mua lẻ hàng hóa sẽ bất lợi nhưng nếu mua với số lượng lớn sẽ được giảm được phí vận chuyển. Như vậy, có thể thấy, dù mục đích là kết nối với giữa người mua và người bán trên không gian mạng nhưng ở một khía cạnh nào đó, đây là kênh kết nối giữa nhà sản xuất với bên mua bán sỉ với số lượng lớn hơn là cho những người nội trợ vốn mua hàng số ít đủ dùng cho một vài ngày.

Hiện vẫn có nhiều công ty lập ra những website để làm đầu mối giữa bên mua và bên bán các mặt hàng nông sản mà hình thức hoạt động tương tự như sàn giao dịch thương mại dù vẫn chưa được chứng nhận là sàn thương mại điện tử. Điều đó chứng tỏ, hình thức chợ online – nơi mua bán hàng và cung ứng dịch vụ được nhiều công ty đang muốn hướng đến, đặc biệt, với một quốc gia có người sử dụng Internet ngày càng nhiều như Việt Nam. Ngoài gcaeco.vn, còn có nhiều website đang hoạt động như một chợ trực tuyến cũng rao bán các mặt hàng nông sản như thịt cá, rau củ, giống nông nghiệp và nhiều mặt hàng khác… Nhiều doanh nghiệp, cá nhân được đăng ký gian hàng trên các chợ này thường ở dạng miễn phí như nongsanonline.com.vn, nongsanbanbuon.com, chonongsantructuyen.weebly.com, daumoinongsan.com, nongsanngon.com.vn…

Ngọc Hùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xâm nhập mặn trên các cửa sông ở ĐBSCL bắt đầu...

0
(SGTT) - Bước vào tháng 12, xâm nhập mặn trên các cửa sông Cửu Long bắt đầu tăng dần, ranh mặn 4g/l vào sâu...

Lưu ý cho người kinh doanh bánh mì sau câu chuyện...

0
(SGTT) - Liên quan đến vụ ngộ độc tập thể (hơn 300 người) nghi do ăn bánh mì ở TP Vũng Tàu mới đây,...

Những công trình kiến trúc nổi bật trong đề cử ‘Top...

0
(SGTT) - Nhà thờ Ka Đơn (Lâm Đồng), nhà cổ Cai Cường (Vĩnh Long) hay chùa Tiêu Dao (Hà Nội)… là những công trình...

Cocoon Việt Nam đồng hành cùng trẻ em vùng cao qua...

0
(SGTT) - Thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Cocoon và Trung tâm UNESCO Hợp tác Giáo dục và Văn hoá Việt Nam (UNESCO-CEP) mới...

Hàn Quốc kỳ vọng đón 600.000 du khách Việt trong năm...

0
(SGTT) – Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, lượng khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc kỳ vọng...

Bắc bộ sắp đón thêm đợt không khí lạnh, khả năng...

0
(SGTT) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khoảng từ ngày 5 đến ngày 6-12, Bắc bộ sẽ đón...

Kết nối