(SGTTO) - Không ai dám chắc chính xác người ta thương nhớ gì ở món hủ tiếu này. Nhưng có lẽ, những lát cá mỏng tang, nước dùng trong vắt và khẩu phần ăn đủ thèm chứ không gây no là điều mà ai cũng sẽ ấn tượng khi thưởng thức món này.
Những người chưa từng ăn, nhìn qua tô hủ tiếu chỉ vài cọng ít ỏi, nước trắng tinh, vài cọng hành xanh xanh sẽ thấy thật hụt hẫng, đặc biệt khi nghe qua mức giá khá "chát" của tô hủ tiếu này. Tuy nhiên, khi đã ăn rồi sẽ thấy số tiền bỏ ra là xứng đáng, điều đó giải thích vì sao tô hủ tiếu nhìn không có gì đặc biệt nhưng vẫn khiến thực khác nườm nượp kéo đến mỗi ngày.
Quán hủ tiếu nằm ở vị trí khá vắng trên đường Tôn Thất Đạm, giáp Hàm Nghi (quận 1, TPHCM). Tuy gần 70 năm tuổi và là một trong những địa chỉ ăn uống "nằm lòng" của người dân thành phố nhưng quán khá nhỏ với tấm bảng hiệu đơn giản, khiến chỉ những ai quen thuộc đường đi nước bước hay cố tình tìm đến quán mới có thể thấy. Thậm chí, rất nhiều khách nghe tiếng mà đến, lần đầu, sẽ chạy vụt qua quán rồi phải quay đầu xe lại tìm.
Quán mang đặc trưng của người Hoa. Bàn ghế trong nhà, ngoài hiên đều có. Khách muốn ngồi đâu cũng được. Tự chọn bàn ngồi riêng hay khách tới sau ngồi chung với khách tới trước cũng chẳng sao. Khu vực bếp đơn giản được đặt ngay cửa tiệm, ở vị trí dễ thấy nhất để thực khách có thể tận mắt thấy thao tác của người bán.
Quán bán hủ tíu cá, hủ tiếu gà (khô và nước)… nhưng được yêu thích nhất có lẽ là hủ tiếu cá. Một tô hủ tíu cá gồm những cọng hủ tíu có cọng bánh gần gấp đôi cọng bánh phở, cá phải là loại cá lóc tươi ngon xắt lát. Thành phần đi kèm trong món ăn là hành lá xắt nhuyễn, giá trụng, tốp mỡ. Ngoài ra, không có thêm rau sống hay các loại gia vị nào khác.
Đơn giản như thế nhưng nếu đã ăn một lần, bạn sẽ lại muốn ăn thêm. Nguyên nhân phần lớn có lẽ đến từ nước dùng trong suốt, vị ngọt thanh, thoảng hương đặc trưng của tăng xại (hay còn gọi là cải nậm). Nước dùng được nấu bằng cá và xương heo, nên vừa có vị thanh, vừa có độ ngọt đặc trưng.
Đặc biệt, cá lóc tươi ở đây được làm sạch kỹ lưỡng và xắt thật mỏng, đến mức, sau khi trụng xong hủ tiếu và giá cho vào tô, thêm hành phi, tóp mỡ... người bán xếp cá lóc sống lên, tưới nước dùng lên trên cũng đủ làm chín thịt cá. Cách chế biến này khiến người ta liên tưởng đến món phở bò tái. Nhưng hai nguyên liệu này khác hẳn nhau nên khi thưởng thức, hương và vị cũng khác nhau hẳn – cá lóc tươi, thanh, ngọt nhưng không ngấy, ngán.
Hủ tiếu cá Nam Lợi được ăn kèm bánh pate chuax. Mỗi bánh có giá 17.000 đồng. Nhiều người cho rằng, nếu đã đến quán mà chưa ăn bánh pate chaux ở đây thì coi như chưa ăn. Tuy nhiên, thường sau 16 giờ mỗi ngày, quán đã bán hết bánh để ăn kèm hủ tiếu cá.
Nếu không thích hải sản, bạn có thể gọi hủ tiếu gà khô hay nước. Hủ tiếu gà khô gồm những cọng hủ tiếu được áo đều một lớp gia vị mằn mặn, thơm thơm, cùng vị ngọt dai của thịt gà xé nhỏ, vị béo thơm của tóp mỡ. Bạn có thể thưởng thức vị "chuẩn" của người bán, hoặc nêm nhẹ một chút giấm đỏ, nước tương tùy theo khẩu vị...
Quán bán từ 6:00 - 12:00 và từ 14:00 - 21:00. Giá cho một phần hủ tiếu cá hoặc gà là 85.000 đồng, khá cao so với mặt bằng chung hiện nay, đặc biệt thêm điểm trừ là khẩu phần khá ít. Một người ăn khỏe, có thể phải ăn hai tô mới no bụng.
Lam Nhã