(SGTT) - Thực phẩm bổ sung mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng lạm dụng hoặc sử dụng sai liều lượng có thể gây tác dụng ngược. Bổ sung vitamin và khoáng chất vượt quá mức khuyến nghị, đặc biệt với các sản phẩm liều cao, không chỉ làm rối loạn hệ tiêu hóa mà còn đe dọa đến sức khỏe tổng thể.
- Từ kẹo ‘Kera’ đến bài toán minh bạch thực phẩm: Giải pháp nào cho doanh nghiệp?
- Nga phát minh thêm công nghệ tạo ra thực phẩm thông minh
Vitamin C
Lượng vitamin C khuyến nghị cho người trưởng thành là 75–90mg/ngày, trong khi giới hạn an toàn tối đa là 2.000mg/ngày. Khi tiêu thụ dưới 200mg/ngày, cơ thể sẽ hấp thụ 70–90% lượng vitamin nạp vào. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ trên 1.000mg/ngày, tỷ lệ hấp thụ giảm xuống còn 50% hoặc thấp hơn, phần dư thừa bị đào thải qua ruột, làm tăng lượng nước trong phân, gây tiêu chảy hoặc phân lỏng. Đặc biệt, vitamin C dạng nhai thường chứa sorbitol và polyol, các hợp chất có thể bị vi khuẩn đường ruột lên men, dẫn đến đầy hơi, kích thích tiêu hóa và làm tăng nguy cơ tiêu chảy.
Magie
Magie đóng vai trò quan trọng trong duy trì chức năng cơ bắp, giúp ngăn ngừa chuột rút và hỗ trợ hiệu suất vận động, đặc biệt ở những người tập luyện thể thao hoặc thường xuyên bị co giật cơ. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức giới hạn an toàn (trên 350mg/ngày từ thực phẩm bổ sung) hoặc cơ thể không hấp thụ hết, lượng magie dư thừa có thể kéo nước vào ruột, làm tăng nhu động ruột và dẫn đến phân lỏng hoặc tiêu chảy.

Omega-3
Omega-3 là axit béo thiết yếu, thường bổ sung qua dầu cá để hỗ trợ tim mạch, trí não và mắt. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức hoặc cơ thể không hấp thụ hết, lượng dầu dư thừa có thể bị đào thải qua phân, gây phân dầu hoặc tiêu chảy nhẹ. Không giống vitamin C hay magie, omega-3 không làm tăng nước trong ruột mà ảnh hưởng đến độ nhờn của phân. Tác dụng phụ này không phổ biến nhưng có thể xảy ra khi dùng trên 2.000 mg EPA + DHA/ngày.

Vitamin A
Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ phát triển xương, răng, mắt, da và niêm mạc. Tuy nhiên, liều bổ sung không nên vượt quá 5.000 IU/ngày để tránh gây rối loạn tiêu hóa, khô da, đau và sưng khớp. Việc sử dụng liều cao kéo dài còn làm tăng nguy cơ loãng xương, dị tật thai nhi và viêm gan do ngộ độc thuốc.

Vitamin D
Vitamin D giúp hấp thụ canxi, duy trì sức khỏe xương, hỗ trợ phát triển cơ bắp, tim mạch và thận, đồng thời tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ ung thư. Khi được bổ sung đầy đủ, vitamin D giúp kích thích sản xuất cathelicidin và defensin – hai chất có tác dụng chống viêm và kháng virus. Liều khuyến nghị hàng ngày là 400–800 IU, trong khi người thiếu vitamin D có thể bổ sung đến 1.000–5.000 IU/ngày. Nếu tiêu thụ quá mức khuyến nghị liều vitamin D có thể dẫn đến tăng canxi huyết, gây chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, đau cơ, mệt mỏi và sỏi thận, thậm chí gây tổn thương thận vĩnh viễn.

Vitamin E
Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, giúp loại bỏ gốc tự do, bảo vệ hồng cầu, hỗ trợ sức khỏe mắt và ngăn ngừa ung thư. Thiếu hụt vitamin E có thể dẫn đến vỡ hồng cầu, nhưng tiêu thụ quá mức lại làm giảm khả năng đông máu, làm tăng nguy cơ chảy máu kéo dài. Người trưởng thành nên bổ sung 15 mg (22.4 IU) vitamin E/ngày từ thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, không nên vượt quá 1.000 mg (1.500 IU)/ngày, vì có thể gây rối loạn đông máu, chảy máu kéo dài và tăng nguy cơ đột quỵ. Việc sử dụng liều cao kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và gây rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
Theo Biotimes, Kormedi