(SGTT) - Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, một số người thường chọn thực phẩm siêu chế biến để tiết kiệm thời gian nấu nướng hay cả việc thưởng thức chúng nhanh gọn. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm này vẫn có những tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe nếu bạn quá lạm dụng.
- Lập lờ thông tin chất béo có hại
- Những loại rau giàu đạm không kém cạnh các loại thịt, cá
Thực phẩm siêu chế biến là gì?
Trước đây, người dùng chỉ biết đến khái niệm thực phẩm chế biến sẵn, tức là chỉ những thực phẩm đã bị thay đổi so với trạng thái tự nhiên của chúng bằng nhiều cách như rửa, đóng hộp, đông lạnh hay thêm nguyên liệu vào.
Giờ đây, thực phẩm siêu chế biến lại "tiến xa" hơn một bước khi chúng còn được làm bởi các chất chiết xuất từ thực phẩm, ví dụ như chất béo, tinh bột, đường bổ sung và chất béo hydro hóa. Trong đó, có hóa chất (chất tạo màu, chất tạo ngọt, chất bảo quản và chất nhũ hóa) giúp thực phẩm có hạn sử dụng lâu, hương vị cũng dễ thưởng thức hơn.
Nhóm thực phẩm siêu chế biến thường gồm bánh ngọt, pizza, xúc xích, thức ăn đóng hộp, nước ngọt... Đây là một số thực phẩm, thức uống mà mọi người có thể từng dùng một hoặc nhiều lần trong ngày.
Lạm dụng thực phẩm siêu chế biến sẽ ra sao?
Mặc dù đa dạng chủng loại và thu hút thực khách bởi hương vị, màu sắc bắt mắt nhưng thực tế việc lạm dụng thực phẩm siêu chế biến dễ "bào mòn" sức khỏe mọi người. Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Tim mạch châu Âu vào tháng 8-2023 (theo dõi 10.000 phụ nữ Úc trong 15 năm), cho thấy những người ăn lượng thực phẩm siêu chế biến cao nhất trong chế độ ăn uống của họ có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn 39% so với những người có mức thấp nhất.
Một nghiên cứu khác từ dữ liệu theo dõi 19.899 sinh viên tốt nghiệp đại học ở Tây Ban Nha cũng cho thấy mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn và nguy cơ tử vong sớm. Theo đó, người tham dự được chia thành các nhóm với những mức độ tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến khác nhau. Kết quả, những người trong nhóm tiêu thụ nhiều nhất (ăn nhiều hơn bốn phần mỗi ngày) có nguy cơ tử vong cao hơn 62% sau trung bình 10,4 năm so với những người trong nhóm tiêu thụ thấp (ăn ít hơn hai phần mỗi ngày).
Hay một nghiên cứu dành cho trẻ em trong độ tuổi 3-6 ở Tây Ban Nha trong giai đoạn 2019 - 2022 chỉ ra rằng nhóm trẻ tiêu thụ nhiều nhất loại thực phẩm nói trên sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải những rủi ro về sức khỏe ở mức độ lớn hơn, chẳng hạn như có chỉ số khối cơ thể cao hơn, theo đó thường có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp và bệnh tim.
Thực tế, dù yếu tố sức khỏe của người dùng nói chung hay những người khảo sát nói trên còn nhiều yếu tố chi phối, nhưng rõ ràng việc thường xuyên ăn thực phẩm siêu chế biến là không tốt cho sức khỏe.
Cách giảm thực phẩm siêu chế biến trong khẩu phần ăn
Trong khẩu phần ăn hằng ngày, thay vì bạn cố gắng loại bỏ hoàn toàn thực phẩm siêu chế biến thì có thể chú ý đến sự cân bằng ăn uống. Đó là tăng cường chất xơ từ trái cây, rau củ; chọn uống nước lọc thay vì đồ uống có đường; chọn sữa chua nguyên chất thay vì các sản phẩm tương đồng có thêm hương vị.
Sau đây là một số mẹo giúp bạn kiểm soát việc dung nạp thêm thực phẩm siêu chế biến:
- Đọc nhãn thực phẩm: Bạn nên tập thói quen đọc nhãn thực phẩm để xác định và cắt giảm những thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo bão hòa. Không phải tất cả các loại thực phẩm siêu chế biến đều như nhau nên hãy chọn thực phẩm có nhiều lợi ích dinh dưỡng như bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt thay vì khoai tây chiên giòn, đồ ngọt.
- Lập danh sách thực phẩm nên ăn: Nếu có điều kiện, bạn nên tìm hiểu các thực phẩm tốt cho sức khỏe theo yếu tố khoa học và dinh dưỡng. Từ đó, có một chế độ ăn phù hợp, tránh xa những thực phẩm siêu chế biến. Hơn thế nữa, bạn cần lập danh sách thực phẩm cần chuẩn bị trong tuần như thịt, cá, đậu, rau củ hay ngũ cốc để kiểm soát tốt việc sử dụng thêm thực phẩm siêu chế biến.
- Hạn chế tối đa thức uống đóng hộp: Một số sản phẩm thức ăn đóng hộp có chứa nhiều phụ gia. Thay vì mua chúng, bạn có thể dành thời gian nấu số lượng lớn, trữ đông và dùng khi cần.
Theo Đời sống & Sức khỏe, Tuổi Trẻ, Yalemedicine