Cá diếc thường sinh sống ở đầm, hồ, sông, suối… ở các vùng miền. Loài cá nước ngọt thân mềm này được đánh bắt quanh năm nhưng nhiều và ngon nhất là vào khoảng tháng 8-9 Âm lịch khi tiết trời bắt đầu se lạnh. Đây là khoảng thời gian cá diếc trong tự nhiên có bụng căng phồng hai buồng trứng để đón các cơn mưa đêm sinh nở.
Người dân quê tôi thích ăn món canh cá diếc với rau răm. Có nhiều cách chế biến món cá diếc. Nó có ít mùi tanh nên thường được nấu canh với các loại rau, quả nhưng nhiều người khen ngon nhất vẫn là nấu chúng với rau răm.
Cách nấu như sau: Cá diếc móc ruột bỏ gan, rửa sạch, ướp tiêu, hành, bột ngọt và tí muối rồi để 30 phút. Cho nước vừa đủ dùng vào xoong đun sôi, thả cá vào, đợi cá chín cho rau răm cùng với 1/2 trái ớt xanh đập dập, nước mắm vừa ăn vào.
Trong những ngày mưa gió dầm dề se lạnh, thưởng thức món canh cá diếc rau răm ngọt mát với hương vị đặc trưng thì không có gì thích thú hơn. Người ăn gắp từng con cá ra chiếc đĩa để lấy vảy và thịt chấm với muối tiêu. Những con cá diếc lớn có trứng thơm, bùi, béo rất đặc trưng.
Thật khó có gì bằng giữa tiết “đông thiên” ngoài trời lạnh lẽo, cả nhà quây quần bên mâm cơm nóng dẻo với nồi canh cá diếc rau răm thơm lừng, bốc khói.
Theo Đông y, cá diếc là một trong các vị thuốc quý. Sách "Nam dược thần hiệu" (Tuệ Tĩnh) gọi là tức ngư, tính hàn, công dụng điều khí hòa trung rất bổ ích, chữa mụn trĩ, đại tiện ra máu, lao, cả bệnh tiểu đường… Còn rau răm gọi là thủy liễu có tính ấm chữa đau bụng lạnh, vết thương rắn cắn, cước khí sưng chân và chàm ghẻ. Nhiều người thường ăn cá diếc nấu canh rau răm để giải nhiệt, làm mát cơ thể.
Tiên Sa