(SGTT) - Chị Đoàn Thị Hương Giang, 39 tuổi, hiện đang là Tổng bếp trưởng Điều hành tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa, Đà Nẵng đã có buổi chia sẻ cùng Sài Gòn Tiếp Thị về những vui, buồn trong suốt 22 năm theo đuổi nghề bếp.

Bàn tay khô ráp và chai sạn

Là người con của Nha Trang, chị Giang đã sớm tự lập và với hơn 22 năm kinh nghiệm, chị có cơ hội được làm việc tại nhiều resort như Evason Hideaway Ninh Vân Bay, Mia Resort Nha Trang, Amiana on The Bay, Vinpearl Luxury, Vinpearl nha Trang Bay, Khách Sạn Da Nang Golden Bay…

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề bếp, chị cho biết lúc đầu bản thân muốn làm nghề pha chế nhưng gia đình phản đối không cho. Vì điều kiện khó khăn, chị đành phải gác lại giấc mơ của mình. Sau khi hoàn thành xong việc học, chị làm phụ bếp để trang trải cuộc sống.

“Thời gian đầu, do không yêu thích nên đi làm được mấy ngày là khóc hoài. Vì công việc bếp thực sự rất vất vả. Cũng từng nghỉ việc rồi, nhưng lúc đó mình mới nhận ra nghề bếp chính là công việc phù hợp và đem lại cho mình niềm yêu thích”, chị Giang kể.

Chị tâm sự càng làm bếp lại càng thấy đam mê, cũng chính vì vậy chị tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng. Nghề bếp với nam giới đã vất vả, phụ nữ lại càng phải cố gắng để theo nghề hơn. “Mình chưa bao giờ được làm một bộ móng tay xinh xắn bao giờ cả, vì yêu cầu của một người đầu bếp thì móng tay phải gọn gàng, sạch sẽ. Trái lại, đôi bàn tay của người đầu bếp lúc nào cũng khô ráp và chai sạn”, chị Giang tâm sự.

Chị Hương Giang luôn cháy hết mình cho công việc đầu bếp mà mình đã chọn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chẳng những vậy, người đầu bếp dường như không có ngày lễ, cuối tuần, vì đây chính là thời gian thực khách đến nhiều nhất. Chị kể, từ lúc chập chững gắn bó với nghề đến nay, mình phải đi sớm, về khuya. Không có tết, không có ngày lễ bên cạnh gia đình, bạn bè, thậm chí chị cũng không được đồng hành cùng con cái trong những ngày đặc biệt.

Dù công việc có nhiều vất vả, nhưng với chị, tình yêu nghề và những lời khen từ thực khách giúp chị luôn có năng lượng để làm việc. Chị cho biết, bản thân còn thấy vui thích khi được học hỏi nhiều điều từ chính công việc này. “Mình phải cố gắng nhiều hơn nam giới. Nỗ lực nhiều hơn để được chấp nhận, để chứng minh là nữ giới làm bếp cũng không thua gì nam giới. Bản thân tôi là một bà mẹ đơn thân, dù có vất vả, bận rộn hơn nhiều người khác, nhưng đó cũng là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày”, chị bày tỏ.

“Tôi sinh con ngay trong bếp”

Với 22 năm gắn bó với nghề, chị Giang cho biết có nhiều chuyện buồn, vui kể không hết. “Lúc mang thai tôi vẫn đi làm bình thường, vì nếu ở nhà quá lâu tay nghề sẽ không được nâng cao, đi làm được gặp mọi người nói chuyện cũng vui hơn hẳn. Nhưng không ngờ tôi sinh con sớm hơn so với dự đoán, lúc đang đứng bếp làm việc thì tôi sinh con luôn”, chị kể.

Chính niềm tự hào của con trai về tài năng nấu ăn của mẹ là niềm vui để chị không ngừng tìm tòi, chinh phục thực khách khắp nơi. Với chị, mỗi một món ăn đều có ý nghĩa và chị luôn tâm đắc với chúng. Phải kể đến các món về yến như cocktail yến, yến chưng, chè yến hay các món nướng và các loại sốt chấm.

“Mình luôn có công thức riêng để chế biến nó. Càng làm, càng thấy món ăn Việt Nam sao phong phú và đặc sắc, làm mãi mà không hết món. Kết hợp nguyên liệu này với nguyên liệu khác, lại phát hiện ra được những cái hay, thú vị hơn”, chị chia sẻ.

Nhắc về kỷ niệm vui trong nghề bếp, với chị thì có rất nhiều nhưng đặc biệt nhất có thể kể là lần chị lọt vào top 6 - Top Chef Việt Nam 2019 (Đầu Bếp Thượng Đỉnh mùa 2). Chị kể: “Đây có lẽ chưa phải vị trí cao nhất hay giải thưởng lớn nhất. Nhưng mình thực sự hài lòng vì nhờ vị trí đó mà mình đã thay đổi rất nhiều trong công việc và trong cuộc sống”.

Chị Hương Giang (thứ 6, từ phải qua) cùng các thí sinh tại cuộc thi Top Chef Việt Nam năm 2019. Ảnh: Facebook nhân vật

Để dùng một món ăn miêu tả về bản thân, chị chia sẻ: “Có lẽ đó là món nhum. Vì bề ngoài nhum rất nhiều gai góc, nhưng thịt thì lại ngọt, mát và ngon. Mình nghĩ là mình cũng y như con nhum, bề ngoài có vẻ rất gai góc, lỳ lợm… nhưng thực ra không hẳn là như vậy”.

Chị bộc bạch thêm, do bản thân làm việc trong bếp, môi trường tiếp xúc lại toàn nam giới, nên để đứng ở cương vị quản lý, chị luôn phải quyết đoán, mạnh mẽ để hoàn thành đúng với trách nhiệm công việc. Tuy nhiên, sau áp lực của công việc, chị cũng là người phụ nữ yếu đuối cần yêu thương, cần chia sẻ, cũng mềm mại chứ không thô ráp, gai góc như vẻ bên ngoài.

“Đừng ngại, đừng sợ là mình không làm được, khi bạn làm rồi, dấn thân vào nó rồi, hãy thực sự yêu thích nó. Tài năng là tên gọi khác của sự nỗ lực. Sự nỗ lực hôm nay chính là thành quả của ngày mai”.

Uyên Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây