(SGTT) - Không còn tâm lý hoang mang lo sợ, người dân thành phố, đặc biệt là người dân Gò Vấp giữ tinh thần bình tĩnh, ý thức chủ động bảo vệ sức khỏe trong thời gian giãn cách.
- Tranh luận xoay quanh phương pháp ăn uống phòng dịch Covid-19
- TPHCM giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày từ 0:00 ngày mai 31-5
- TPHCM: lao động khối nhà nước ra khỏi quận Gò Vấp đi làm phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19
Tính đến ngày 4-6, cư dân thành phố đã trải qua 5 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, riêng khu vực quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo chỉ thị 16. Liên hệ với một số người dân đang sinh sống tại quận Gò Vấp, họ cho biết tình trạng vẫn ổn định, dù vẫn có một số bất tiện nhỏ trong sinh hoạt, nhưng đã chuẩn bị tâm lý từ sớm và mọi người vẫn sắp xếp sinh hoạt phù hợp.
"Tôi không bất ngờ vì bị giãn cách"
Chị Yến Nhi (24 tuổi), ngụ tại phường 5, quận Gò Vấp. Chị đang làm kiểm toán, công việc khá linh hoạt về địa điểm làm việc. Vào những ngày cuối tuần, chị thường tìm đến những quán cà phê có không gian đẹp, tăng cảm hứng để làm việc, thay đổi không khí. Tuy nhiên, vì đang có lệnh giãn cách, chị phải tạm gác lại thói quen này.
"Tôi không bất ngờ vì bị giãn cách. Vì trước đó, tôi đã có nghe thông tin về việc phong tỏa chung cư Sunview ở Thủ Đức, tình hình diễn biến phức tạp tại Bắc Giang và cũng chưa truy vết được F0. Vì vậy, tôi cũng chuẩn bị tinh thần từ sớm", chị Nhi chia sẻ.
Trước đó vào dịp lễ 30-4, 1-5, chị có cùng gia đình đi du lịch tại Hồ Tràm, thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk nhưng thời điểm này chưa ghi nhận ca nghi nhiễm nào. Sau đó, vào giữa tháng Năm, đồng nghiệp và em gái của chị đều có liên quan đến ca nhiễm F1 tại chung cư Sunview nên chị cho rằng mình có thể là F2 hoặc F3. May mắn, kết quả xét nghiệm các ca F1 liên quan đều âm tính.
Nhận được tin giãn cách xã hội, chị rất ủng hộ và nhiệt tình chấp hành để giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Công ty chị cung cấp máy tính cá nhân để chị có thể tiếp tục công việc tại nhà. Chị nói "Công việc của tôi là ngành dịch vụ nên tôi không bị ảnh hưởng vì dịch. Nghề của tôi cũng vừa qua 'mùa' bận rộn. Các công việc còn lại tôi có thể làm online nên không có ảnh hưởng nhiều, sinh hoạt ngày thường cũng không có nhiều bất tiện. Tôi ở gần khu vực nhiều siêu thị, nơi mua sắm".
Chị cho biết cả gia đình đã đi xét nghiệm và đang chờ kết quả. Tuy nhiên, chị vẫn nâng cao cảnh giác vì các ca nghi nhiễm (F3) có thể trở thành F0 bất kì lúc nào.
"Được giãn cách và làm việc online là niềm hạnh phúc"
Khác với chị Yến Nhi, chị Phương Dung (32 tuổi, đã có gia đình), ngụ tại phường 8, quận Gò Vấp lại có chút hoang mang khi nhận tin giãn cách cả quận theo chỉ thị 16. Chị bộc bạch: "Ngày 30-5, một ngày cuối tuần đáng lẽ mình phải ở bên gia đình, thì tôi nhận được tin giãn cách cả quận Gò Vấp khi đang làm tăng ca". Chị kể, từ sáng ngày 30-5 chị đã đọc nhiều thông tin trên mạng, giãn cách một số phường quận Gò Vấp. Chị thở phào nhẹ nhõm vì chưa có tên phường 8.
Đến trưa cùng ngày, khi đồng nghiệp xôn xao về tin giãn cách, ai cũng hướng mắt về chị hỏi thăm khi biết chị là dân Gò Vấp. Sau đó, chị vẫn cố gắng làm hết ca và ra về. Chị chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc phải nghỉ ở nhà trong khi những đồng nghiệp khác vẫn được đi làm. Cuối ngày, chị nhận được tin chị được phép làm việc online tại nhà.
Là một chuyên viên thiết kế đồ họa, chị Dung dường như không có nhiều bất tiện trong công việc. Tuy nhiên, chị vẫn cảm thấy buồn vì không được gặp đồng nghiệp hay giao tiếp với ai, chỉ nhìn thấy qua màn hình máy tính. Song, chị cho rằng lúc dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội là rất cần thiết. "Nếu ai cũng đi ra ngoài thì sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm. Tôi vẫn được giãn cách và làm việc online tại nhà là niềm hạnh phúc lúc này. Nhiều người còn bị mất việc vì dịch Covid-19. Gia đình tôi lại có dịp gần nhau hơn", chị tự động viên bản thân.
Giãn cách xã hội còn giúp gia đình chị có dịp gần nhau hơn. Chị chia sẻ: "Con trai chị thấy phấn khởi nhất vì không phải đến trường, được gặp bố mẹ thường xuyên hơn. Hai mẹ con chị cũng có một thời khoá biểu mới. Sáng chị và bà thức dậy nấu ăn sáng rồi cả nhà cùng ăn. Đúng 8:00, hai mẹ con lên phòng và mỗi người một máy tính. Mẹ làm việc online, con học online cùng thầy. Thỉnh thoảng nghỉ giải lao, hai mẹ con cùng nhau ăn miếng bánh, uống hộp sữa rồi lại tiếp tục học, làm online"
Trong mùa giãn cách, chị chỉ đi chợ hai ngày/lần và không dự trữ nhiều, đảm bảo cho cả nhà ăn uống đủ chất tăng cường sức khỏe. Chị cho biết thời điểm này chị chưa có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19, chưa được xét nghiệm và cũng chưa ghi nhận tiếp xúc với ca nghi nhiễm nào.
"Sau giãn cách sẽ...ở nhà, theo dõi thêm"
Chị Nguyễn Nguyên Nhi, ngụ tại phường 3, quận Gò Vấp - khá gần với khu sinh hoạt của hội truyền giáo Phục Hưng (ổ dịch lớn của TPHCM). Chị Nguyên Nhi vốn làm công việc tự do tại nhà nên sinh hoạt không có nhiều thay đổi. Khác với nhiều người, sau giãn cách, chị Nguyên Nhi không vội trở lại sinh hoạt bình thường, thoải mái ngay. Chị chọn cách sẽ tiếp tục ở nhà, chỉ ra ngoài khi có công việc, tự hạn chế tiếp xúc với nhiều người để theo dõi thêm tình hình dịch bệnh.
Sài Gòn Tiếp Thị đã kết nối điện thoại trực tiếp với chị Nguyên Nhi để lắng nghe những tâm sự của chị trong những ngày giãn cách.
Mặc dù đều lâm vào những hoàn cảnh trớ trêu như đi cách ly hay trong diện phải giãn cách và ở nhà làm việc, người dân đang sống và làm việc tại Gò Vấp nói riêng và TPHCM đều ý thức rất rõ việc cần thiết của giãn cách, đóng góp cho công cuộc chống dịch của thành phố. Do vậy, dù thích hay không họ vẫn luôn cố gắng tìm niềm vui riêng mỗi ngày và tuân thủ chặt chẽ quy tắc 5K trong đảm an toàn, phòng chống dịch.
Nhằm tạo một sân chơi cho những người đang ở nhà phòng chống dịch đồng thời có một kênh để mọi người chia sẻ kinh nghiệm, niềm vui cũng như truyền thêm cảm hứng trong việc ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội, Sài Gòn Tiếp Thị đã phát động chương trình "Ở nhà vui lắm nha". Người tham gia chỉ cần đăng tải những hình ảnh, video clip hay bài viết về những cách duy trì niềm vui, lạc quan và giữ gìn sức khỏe tại nhà trong mùa dịch của mình lên trang fanpage của Sài Gòn Tiếp Thị. Mỗi tuần, Sài Gòn Tiếp Thị sẽ có một món quà nho nhỏ khích lệ với người có chia sẻ được đông đảo bạn đọc yêu thích. Tìm hiểu thêm tại đây.
Yến Nhi