(SGTT) – Được biết đến qua tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, làng Vũ Đại còn là cái tên bảo chứng cho món cá kho thấm đượm hồn quê nổi tiếng khắp cả nước - cá kho làng Vũ Đại.
- Bản đồ ẩm thực: Ghé Hà Nội nhớ thưởng thức “nàng thơ” văn học
- Bản đồ ẩm thực: Gỏi cá Nam Ô Đà Nẵng
- Bản đồ ẩm thực: Về Phú Thọ thưởng thức thịt chua của người Mường
Làng Vũ Đại được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây cũng là quê hương của nhà văn Nam Cao cảm tác nên tác phẩm văn học nổi tiếng Chí Phèo.
Nơi đây vốn dĩ là một làng quê bình dị, cái tôm, cái cá có khi còn nhiều hơn thịt heo, thịt bò. Và rồi người dân nơi đây nghĩ ra món ăn cá kho trước dùng để dâng cúng tổ tiên trong những dịp lễ Tết, sau là món ăn thường nhật trong bữa cơm của mỗi gia đình. Ngày nay, một số doanh nhân đưa thương hiệu cá kho làng Vũ Đại lên trên mạng Internet và kết quả nó đã trở thành đặc sản của cả tỉnh Hà Nam.
Để làm ra một nồi cá kho thành phẩm thì thợ nấu phải mất nhiều thời gian với các công đoạn chế biến kỳ công, tỉ mỉ. Đặc biệt, mỗi hộ sản xuất nơi đây lại có riêng cho mình những bí quyết gia truyền để níu chân thực khách. Nhưng điều tiên quyết để tạo sự khác biệt của cá kho nơi đây so với món cá kho ở các tỉnh, thành khác nằm ở chỗ sử dụng niêu đất để kho. Rồi niêu đạt chuẩn để kho là ngoại hình không được sứt mẻ, chưa kể còn phải luộc qua nước sôi để giữ đồ bền cho niêu.
Tiếp đến, cá để chọn làm món ăn nhất định phải là giống cá trắm đen có trọng lượng khoảng 4-5kg, nuôi bằng ốc thịt mới thơm ngon. Sau khi sơ chế, chỉ giữ lại phần thân cá rồi chia nhỏ thành những khúc thịt khoảng 1 khúc/kg. Nguyên liệu, gia vị ướp chung thường gồm riềng, gừng, nước dùng (kẹo đắng), nước cốt chanh, nước mắm cua cồng, muối hạt cùng ít thảo dược. Tuy nhiên, mỗi hộ sản xuất lại có tỷ lệ pha trộn, liều lượng gia vị khác nhau dựa theo bí quyết gia truyền gia đình.
Rồi khi kho cá, không được dùng củi thường mà phải dùng loại củi nhãn có lẫn vỏ trấu để loại mùi hăng của niêu đất, món ăn vì thế mà dậy mùi hơn. Sau khoảng 12-14 giờ kho với lửa vừa thì cá sẽ đạt độ chín, mềm vừa phải. Cách nhận biết đơn giản nhất về nồi cá kho đạt chuẩn là khi nước trong niêu cá chỉ còn độ một muỗng. Một điều đặc biệt ở cá kho làng Vũ Đại là thời hạn sử dụng đạt từ 5-7 ngày dù không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào.
Tuy mùa cao điểm kho cá rơi vào những ngày cận Tết nhưng nếu thích ăn vào những ngày thường, mọi người cũng có thể đặt món trên các trang web đặt hàng trực tuyến của các hộ dân sản xuất tại làng Đại Hoàng với giá bán dao động từ 400.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/phần. Thế nhưng, cảm giác ngồi giữa làng Đại Hoàng, nhâm nhi ít thịt cá cùng chén cơm trắng có lẽ sẽ thi vị hơn rất nhiều.
Về Hà Nam, chuyến hành trình du lịch, ẩm thực của bạn nên ghé qua thăm nơi đây nhé!
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Phúc An - Kỳ Anh