(SGTT) – Trong nhiều phiên bản lẩu cua, lẩu cua lá me tạo nên sự thích thú cho thực khách bởi vị chua dịu nhẹ của lá me như kích thích vị giác khi dùng kèm thịt cua thanh ngọt. Thế nên, Trưa nay ăn gì chọn giới thiệu món ăn này cho trưa thứ Bảy.
- Nồi lẩu cuối tuần bắt vị với thịt hàu và kim chi
- Nồi lẩu cuối tuần thơm ngon với thịt ếch kết hợp chuối đậu
Để món ăn thơm ngon, hầu như các quán ăn, nhà hàng chọn cua Cà Mau để chế biến. Từ lâu, cua Cà Mau được biết đến bởi chất lượng thịt, sự đa dạng từ cua thịt, cua gạch cho đến cua hai da. Ở TPHCM, có nhiều cửa hàng hải sản bán cua Cà Mau nên mọi người không quá lo lắng không kiếm được cua.
Sau khi có cua tươi ngon, người nấu sơ chế bằng cách cắt cua thành bốn phần, bỏ đi phần vỏ yến. Càng cua có thể để riêng để bảo đảm chất lượng thịt càng so với thịt ở thân cua. Khác với những món lẩu khác khi thịt nhúng lẩu chỉ việc cho vào nồi lẩu, món lẩu cua lá me hôm nay thịt cua đem sơ chế bằng cách xào qua ít tỏi, sả băm, cà chua. Tiếp đến, từ chính phần thịt cua này mà người nấu thêm nước lọc (hoặc nước dừa) và nấu thành nồi nước dùng (gia vị thêm là những gia vị cơ bản trong gian bếp như muối, nước mắm, hạt nêm).
Về lá me, đây là loại lá được ứng dụng trong các bài thuốc dân gian, khi kết hợp trong ẩm thực nó lại càng tạo nên sự mới lạ nhưng hương vị rất đỗi thân quen. Vị chua dịu nhẹ của lá me không làm thực khách khó chịu mà nó như kích thích thêm vị giác khi dùng bữa. Thông thường, lá me rửa sạch để ráo và cho vào nồi lẩu sau cùng (tránh cho lá me bị nát).
Ngoài lá me, mọi người có thể chọn một số loại rau nhúng lẩu quen thuộc như rau muống, rau nhút, cải bẹ xanh… Sợi bánh tùy chọn như bún tươi, phở, hủ tiếu, miến… Không thể thiếu là chén nước mắm mặn có thêm vài lát ớt cho ai ăn cay.
Theo amthucvungmien, monngontucua, shopeefood