(SGTT) - Càng ngày ngành thực phẩm càng có xu hướng tận dụng trí thông minh nhân tạo để tìm hiểu rõ hơn về sự đa dạng của hương vị, mùi thơm và các yếu tố khác nhằm tạo ra những món ăn hấp dẫn hơn mà vẫn bổ dưỡng.
Đầu năm nay, IBM (Mỹ) đã tạo ra sự bất ngờ với nhiều người khi tham gia lĩnh vực ẩm thực. Tập đoàn công nghệ này tuyên bố hợp tác với nhà sản xuất gia vị McCormick (Mỹ) để “sáng tạo hương vị nhanh hơn và hiệu quả hơn” bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) xử lý hàng triệu điểm dữ liệu được McCormick thu thập.
Quan hệ đối tác giữa hai công ty này đã phản ánh xu hướng công nghệ đang được sử dụng để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các sản phẩm thực phẩm mới, đáp ứng sở thích của người tiêu dùng và đặc biệt là cải thiện dinh dưỡng và hương vị của các món ăn.
Dùng AI để sáng tạo đồ ăn
Ẩm thực chịu ảnh hưởng không chỉ bởi nền văn hóa mà còn từng các cá nhân. Đó là lý do tại sao công ty phải sử dụng các dữ liệu về hành vi của người tiêu dùng để chọn ra sự kết hợp các thực phẩm nhằm chế biến món ăn mới phù hợp.
Do đó, việc sử dụng AI để tạo ra các công thức nấu ăn mới đang là xu hướng hấp dẫn nhiều công ty thực phẩm lẫn công ty công nghệ. “Các công ty thực phẩm trong tương lai sẽ làm chủ công nghệ số hóa và trở thành những trung tâm xử lý dữ liệu”, ông Bernard Lahousse, người đồng sáng lập của Food Pairing, nói. Food Pairing là một công ty khởi nghiệp với các văn phòng ở Bỉ và New York, Mỹ chuyên phát triển các thuật toán để giới thiệu những cách chế biến đồ ăn và đồ uống mới.
Ông Lahousse cho biết công ty của ông có cơ sở dữ liệu hương vị lớn nhất thế giới, giúp các công ty có thể chế biến ra các món ăn mới ngon hơn dựa trên phân tích dữ liệu về sở thích của con người.
Thay vì sử dụng những phương pháp thường thấy như lấy ý kiến của các chuyên gia hoặc lập bảng số liệu điều tra tiêu dùng, công ty này đã phát triển các thuật toán theo dõi cách người tiêu dùng nhận xét về một sản phẩm mới.
Trước đó, Jason Cohen và công ty của anh với tên gọi Analytical Flavor Systems, có trụ sở tại New York, đã đưa vào sử dụng ứng dụng Gastrograph. Ứng dụng này thu thập phản ứng của người dùng với 24 loại mùi vị khác nhau. Sau đó nó sử dụng trí thông minh nhân tạo và công nghệ máy học (machine learning) để xử lý dữ liệu mà các công ty có thể sử dụng để tạo ra những món ăn mới, hấp dẫn hơn. Công nghệ này không giới hạn ở đồ ăn mà có thể được sử dụng để làm đồ uống như rượu, socola, cà phê và nước có cồn.
Một mảng kinh doanh có tiềm năng
Ứng dụng Gastrograph mới đây đã huy động được đến bốn triệu đô la tiền đầu tư, nhờ khẩu hiệu “Tạo ra các sản phẩm tốt hơn, nhắm đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu hơn và bổ dưỡng hơn cho người tiêu dùng”.
Ngành thực phẩm là ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm, với tổng số vốn lên tới 16,9 tỉ Mỹ đô la vào năm 2018, theo dữ liệu từ công ty AgTech Funder (Mỹ). Brita Rosenheim, một nhà phân tích và nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, cho biết công nghệ số hóa dữ liệu hiện sẽ là động lực mới giúp đẩy mạnh quá trình phát triển sản phẩm trong ngành.
Theo ông Rosenheim thì quy trình phát triển sản phẩm thực phẩm như trước nay vẫn làm thực ra đã lỗi thời, quá chậm chạp và có rất nhiều lỗ hổng trong việc thu thập phản hồi của thị trường.
Rosenheim tin tưởng loại công nghệ AI và máy học mới có thể giúp các công ty khắc phục các nhược điểm trước đây và qua đó thu hút được một phần lớn trong số 16,9 tỉ đô la tổng số tiền từ các nhà đầu tư.
Niềm tin đó là có cơ sở. Nhờ sự chia sẻ dữ liệu tốt hơn nên con người nhiều khả năng tìm ra các món ăn mới cũng như công thức chế biến các món ăn ngày càng có hương vị ngon hơn, đầy đủ dinh dưỡng hơn và ít khi xảy ra sai sót trong nấu nướng hơn.
Một ví dụ điển hình là việc công ty Food Pairing đã dùng AI để sáng tạo ra việc kết hợp giữa hàu và kiwi thành một món ăn mới. Món ăn này đã ngay lập tức trở thành món đặc sản của một nhà hàng nổi tiếng ở Bỉ.
Tương lai rộng mở nhưng nhiều nguy cơ
Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã minh họa cách AI còn có thể phát huy hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi. Ví dụ như công nghệ AI do Viện phát triển đã giúp nông dân trồng được húng quế với hương vị mạnh hơn gần gấp đôi húng quế thường.
John de la Parra, người đứng đầu Trung tâm Sáng kiến mông nghiệp mở rộng của MIT, cho biết AI có thể cho con người khả năng sử dụng bộ dữ liệu thông tin nông nghiệp để cải thiện chất lượng lương thực nhanh hơn bao giờ hết.
Nhìn xa hơn nữa, nếu con người có khả năng ‘phát lại’ hương vị và mùi thơm của món ăn thì đó sẽ là một sự bùng nổ thực sự. Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, chỉ với điện thoại bạn đã có thể thử nhiều hương vị và mùi thơm để tạo ra một loại nước sốt hoàn toàn mới. Thậm chí, bạn có thể tạo ra những mùi vị không tưởng, như món hầm có mùi vị của biển! Đây sẽ là một trải nghiệm rất thú vị và có thể trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc thực phẩm có thể được cá nhân hóa bởi AI sẽ đòi hỏi một lượng dữ liệu cá nhân lớn, ảnh hưởng nhiều đến sự riêng tư và bảo mật. Cái được có khi chẳng bù nổi cái mất. Vì vậy, trong tương lai gần, AI sẽ chỉ được sử dụng để dự đoán những xu hướng và vị giác của người tiêu dùng trên diện rộng mà thôi.
Tường Lan