Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Cụ ông về hưu đam mê đạp xe, leo đèo giảm bệnh tuổi già

(SGTT) – Thử sức với môn xe đạp khoảng 3 năm trở lại đây, ngày tháng về hưu của ông Lê Quang Hiếu, 68 tuổi ở TPHCM thêm nhiều màu sắc hơn bởi chuyến đi đến những vùng đất mới. Hơn thế, tình trạng sức khỏe của ông cũng được cải thiện nhiều hơn khi tham gia bộ môn đều đặn cùng những đồng đạp.

Đạp xe giải tỏa nỗi lo bệnh tật

Qua một tai nạn xe nhiều năm về trước, ông Lê Quang Hiếu được bác sĩ chỉ định mổ chấn thương dây chằng ở phần đầu gối, thay vì phẫu thuật để lành thương, ông quyết định tập thể dục để hồi phục thể chất từ từ và thay đổi thói quen sống lành mạnh hơn. Kể từ đây, ông cũng biết đến môn đạp xe và nhận thấy nhiều lợi ích bất ngờ từ nó dù bắt đầu biết đến thể dục thể thao ở tuổi 65.

Về hưu được khoảng 8 năm, ông Hiếu không ít lần tâm sự khoảng thời gian 3 năm ngắn ngủi gia nhập vào cộng đồng đạp xe là lúc ông được sống vui khỏe nhiều hơn và biết đến nhiều cảnh đẹp xung quanh gần gũi như thế. Thời gian đầu tập đạp, ông thường xuyên đi cung đường gần nhà với hình thức “dưỡng sinh” để giãn gân cốt, lành thương. Sau khi biết đến các hội nhóm trung niên, thanh niên yêu thích chung một bộ môn đạp, ông tham gia và rèn luyện kỹ thuật, tốc độ, quãng đường đạp ngày càng cao hơn.

Ở độ tuổi U70, ông Quang Hiếu sống vui khỏe hơn nhờ đạp xe. Ảnh: NVCC

Ông kể mình vẫn nhớ những ngày đầu hăng hái tham gia tour đạp ngoại thành như Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, các tỉnh lân cận đi về trong ngày gặp không ít khó khăn, vì tích lũy thể lực chưa đủ cộng với chưa biết cách ăn uống, điều phối sức trên đường dài.

Không ít lần trên hành trình, ông bỏ cuộc giữa đường phải thuê xe chở về quãng đường còn lại. Dù mệt lã người khi về đến nơi, gia đình có khuyên ngăn lượng sức, ông vẫn rất muốn chinh phục và duy trì thói quen mỗi ngày.

Ông Lê Quang Hiếu 68 tuổi, sống ở TPHCM, biết đến đạp xe sau khi về hưu. Ảnh: NVCC

Hiện tại, mỗi sáng ông sẽ hoàn thành cự ly khoảng 15km đều đặn quanh cung đường dọc bờ kè gần nhà, cuối tuần sẽ dành thời gian đi các điểm ngoại ô hoặc thăm thú các tỉnh thành lân cận TPHCM. Phương tiện di chuyển chính hiện tại của ông Hiếu là xe đạp ở tuổi về hưu.

Chỉ sau khoảng thời gian ngắn đạp xe với cường độ hợp lý, chấn thương ở đầu gối của ông đã được hồi phục đến 80-90%, ông Hiếu cho hay mình đã ngừng tập vật lý trị liệu và dừng đến bệnh viện để tái khám. Đồng thời, các bệnh mãn tính lâu nay như đau nhức xương khớp, đau đầu… đã hết hoàn toàn.

“Chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi cảm nhận cơ thể mình khỏe lên rất nhiều nhờ đạp xe. Hồi trước còn đi làm, nhiều thói quen không được lành mạnh nên có nhiều nỗi lo bệnh tuổi già, vậy mà khi vận động, lên yên xe ngồi đạp, các bệnh lý đều được cải thiện, chấn thương cũ không còn làm cuộc sống tôi bất tiện nữa”, ông bộc bạch.

Truyền cảm hứng “lên yên xe”

Thời điểm dịch bệnh Covid-19, ông Hiếu cũng phải đối diện với nhiều vấn đề tâm lý, chứng trầm cảm nhẹ. Cũng từ ngày được ngắm nhìn các cảnh đẹp trên cung đường đạp, kết giao với nhiều bạn bè trong cộng đồng yêu thích đạp xe, ông Hiếu cải thiện đời sống từ thể chất lẫn tinh thần, sống tích cực với mọi người xung quanh hơn.

Được biết, ông “rủ rê” thành công những người đồng niên, con cháu trong gia đình tham gia môn chơi mới để giảm bớt nỗi lo bệnh tật trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Từ đó, nhờ kết nối của ông Hiếu, những “ông nội, bà ngoại” đều cùng nên duyên và tích cực tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm đạp xe trong cộng đồng để tìm kiếm niềm vui và sức khỏe tuổi già.

Với đạp xe, theo ông, tùy nhu cầu của mỗi người, việc đầu tư vào trang thiết bị hay phụ kiện không chỉ hỗ trợ thêm tiện ích trên đường đi mà còn là thú vui của một đồng đạp. Ông cho biết để đủ an toàn trên các tuyến đi dài ngày lên đến cả trăm cây số, việc tìm hiểu về dinh dưỡng, thực phẩm hỗ trợ, thời gian ăn uống bổ sung trước và trong khi đạp sao cho phù hợp, trang phục thiết yếu là rất quan trọng.

Ông chinh phục từ đường trường, đường núi đến đèo dốc cao dù từng có chấn thương ở chân. Ảnh: NVCC

Trung bình, ông có thể đạp khoảng 60km/ngày nếu lộ trình yêu cầu đạp liên tục nhiều ngày, hoặc với các điểm đến đi về trong ngày như TP Vũng Tàu, ông có thể hoàn thành cự ly lên đến 100km/ngày.

“Tôi nghĩ thay vì để tiền dưỡng già đổ vào khoản bệnh viện, thuốc men, thời gian tuổi già vào những hoạt động lặp đi lặp lại hằng ngày, ta có thể dành nó để tận hưởng nhiều niềm vui rất dễ khác trong cuộc sống như đạp xe, chạy bộ, bơi lội… Thực tế, sự hạn chế của tuổi già không nằm ở khả năng mỗi người mà ở suy nghĩ không dám thử sức”, ông nói.

Hoàng An

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Đồng vợ đồng chồng’ chinh phục những con đường bằng xe...

0
(SGTT) – Không ít các cặp đôi đã nên duyên từ sở thích đạp xe, cũng từ bộ môn này, người bạn đời có...

Dã ngoại cuối tuần tại Nhơn Trạch, Đồng Nai

0
(SGTT) - Nhơn Trạch cách TPHCM 40km, du khách có thể đến đây vào cuối tuần để đạp xe, chèo sup ngắm hoàng hôn,...

Đôi vợ chồng dạy yoga yêu đạp xe: Tìm thấy sự...

0
(SGTT) – Chỉ mới thử sức với bộ môn mới được khoảng hai năm nay, anh Phan Minh Hải (51 tuổi), chị Trần Thu...

Gia đình nhỏ rủ rê nhau “xê dịch”, thay đổi tinh...

0
(SGTT) -  Từ sở thích vận động cá nhân, chị Lê Thái Phương Chi (42 tuổi, TPHCM) đã lan tỏa niềm đam mê đạp...

Hai chị em đạp xe xuyên Việt gây quỹ, rủ bạn...

0
(SGTT) – Tám năm trước, khi còn là chàng trai 18 tuổi, anh Trần Việt Dương, ở TP Biên Hòa đã thực hiện chuyến...

TPHCM: Bỏ 10.000 đồng một giờ, ‘vi vu’ du lịch nhóm...

0
(SGTT) - Ra mắt được hơn 9 tháng, dịch vụ xe đạp công cộng dần trở nên phổ biến trong nếp sống của người...

Kết nối