(SGTT) - Cua đá có ở nhiều nơi, từ bán đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đến đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)… nhưng cua đá tại đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) lại nổi tiếng với hương vị thuốc nam độc đáo, giàu dinh dưỡng và được dán tem trước khi tiêu thụ.
- Khởi nghiệp mực một nắng Cù Lao Chàm từ tình yêu hải sản
- Trải nghiệm “chạy câu cá ngừ” trên biển Cù Lao Chàm
Cua đá tại đảo Cù Lao Chàm có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii, là một trong những loài sinh vật biển sống chủ yếu trong hốc đá, thức ăn chủ yếu lá rừng. Do cách sống đặc thù nên cua đá di chuyển, leo trèo rất linh hoạt so với các giống cua khác.
Vào mùa sinh sản, cua đá thường di chuyển xuống biển, ở các mép đá để đẻ trứng, duy trì nòi giống. Vì thế, cua đá Cù Lao Chàm là “cầu nối” giữa biển và rừng, đồng thời nó cũng là biểu tượng cho sự khỏe mạnh để sinh tồn ở “khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm”.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, hiện tại rừng Cù Lao Chàm có đến 200 loài cây dược liệu thuốc nam quý hiếm. Lá các loại cây này trở thành thức ăn chính thức của cua đá, do đó, cua đá Cù Lao Chàm có hương vị rất khác lạ so với các vùng khác.
Cua đá rất nhiều gạch, gạch cua có màu sẫm, vị như thuốc nam, hơi đắng nhưng béo và thơm nồng mùi thảo dược.
Nhờ hương vị mùi thuốc nam độc đáo, nên cua đá tại đảo Cù Lao Chàm trở thành món được nhiều người 'săn đón', đẩy loại cua này vào nguy cơ tuyệt chủng.
Để bảo tồn và phát triển cua, Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra quy định cua bán ra thị trường phải đúng kích cỡ, phải có tem nhãn mới được tiêu thụ.
Cách làm này đưa giá trị cua đá lên cao. Hiện tại, giá cua đá dao động từ 1 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/kg. Việc này giúp người bắt cua cua đá có thu nhập cao, bình quân mỗi người bắt cua đá thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/đêm.
Minh Hải