(SGTTO) - Dự định ghé thăm Bàu Trắng (Bình Thuận), vùng tiểu sa mạc nổi danh với đồi cát và những vạt sen hồng, thế nhưng, đối diện khu này còn có một địa danh hấp dẫn mà du khách ít để ý, đó chính là Hòn Hồng - ngọn đồi trầm lặng ở xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình - nổi bật bởi sắc màu đỏ rực của đất trong cái nắng mênh mang. Vậy là, tôi ghé thăm Hòn Hồng với tâm trạng tò mò lạ lẫm.
Trên con đường phẳng lì, xe đưa tôi ngao du các di tích du lịch của xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Trong khung cảnh mênh mang đất trời cây cỏ, điều làm tôi thích nhất là quang cảnh khu vực này vẫn còn vẹn nguyên chưa bị bê tông hóa.
Trong cái nắng cháy da, bóng những chú bò lững thững tìm cỏ trên thảo nguyên rộng lớn trông thật đẹp. Té ra, quê Việt ta có nhiều thắng cảnh hữu tình mà ta chưa trân trọng đúng mức.
Tôi ráng sức lội bộ theo người chăn bò qua buổi kết bạn sơ giao. Với âm giọng lơ lớ người miền biển, anh kể, gia đình đã sống ở đây lâu đời. Từ nào tới giờ, cư dân quanh đây đều sống chủ yếu dựa vào biển. Sau này, kinh tế khó khăn hơn nên cư dân phải đi dỡ đất trồng cây, có thêm thu nhập. Nhiều người đổi nghề nuôi bò trồng cỏ. Ngoài ra, một số thì chen nhau đi làm công nhân ở khu công nghiệp hoặc ra Mũi Né đi làm thuê.
Nghe anh kể thấy buồn trong bụng nhưng nhờ vậy tôi được biết khu vực Hòn Hồng được cư dân địa phương rất tôn trọng. Nghe đồn trên đỉnh hòn có những di tích đá thiêng của người Chăm Pa cổ để lại. Nếu ai không biết mà chạm tay vào các hòn đá này sẽ bị quở phạt, cư dân phải đội lễ xin lỗi thì mới được thánh thần tha mạng.
Lân la hỏi kỹ thì Tuấn – tên người chăn bò - cũng thật thà nói: “Tuy lùa bò chăn mỗi ngày nhưng tôi cũng chưa lên đỉnh Hòn Hồng trọn vẹn vì chiều dài lên đến hơn 10 km”. Xem ra, việc chinh phục toàn bộ đỉnh Hòn Hồng cũng không dễ dàng cho các “phượt thủ” vì đường đi cheo leo và không có nước hay bất cứ dịch vụ nào chờ đón bạn khi chạm đích.
Cố gắng theo người bạn chăn bò cả buổi sáng quanh khu vực Hòn Hồng, ngoài việc sợ mấy chú bò húc vào người và nắng cháy sém cả mặt mày, càng đi lên cao, tôi nhận ra sự kỳ diệu của khu đồi này chính là là sắc màu của cát và đá.
Theo các nhà khoa học nhận định, cấu tạo địa chất của Hòn Hồng là granit pha trầm tích. Vì vậy, cây cối ở đây phát triển có vẻ là lạ và đặc biệt hơn những ngọn núi khác. Bởi khi lang thang cùng Tuấn, tôi hỏi anh về tên những loại cây như bồn bồn - cây này không giống như cây bồn bồn ở miền Tây. Loại cây này có những vạt hoa chi chít trên thân nhưng Tuấn cho biết bồn bồn chứa đầy mủ độc. Nếu bạn chỉ bị một chút mủ cây này văng trúng mắt thì kể như mắt của bạn bị hư vĩnh viễn, không có thuốc men nào chữa được .
Lạc trong những rừng cây bao phủ Hòn Hồng, tôi nhận ra những gam màu khác nhau của cây và màu của cát trộn lẫn. Chúng tạo nên một bức tranh kỳ lạ bởi những gam màu xanh đặc trưng của rừng mà sắc thắm đỏ hoặc hồng nhạt của cát làm nền.
Tuấn cho biết, nếu muốn biết rõ Hòn Hồng thì phải đến đúng vào mùa rừng cây thay lá. Lúc đó, cảnh quan của hòn sẽ cho ta những cảm xúc lạ bởi sắc đỏ của đất, sắc trắng của cát, trộn lẫn trong nhiều màu xanh khác nhau của rừng. Vậy là ta đã có dịp ngắm được những đường vẽ tuyệt vời của thiên nhiên trên thảo nguyên rộng lớn.
Ngoài ra, dưới chân Hòn Hồng là khu vực biển xanh dịu dàng. Ngay dưới chân núi này cũng là bãi đá kỳ ảo mà thiên nhiên trao tặng cho con người. Do bởi đường bộ chưa phát triển, nên khu vực này vẫn còn sót những bãi biển còn nguyên sơ.
Tại bãi biển này, ngồi nghe tiếng sóng dạt dào từng đợt vỗ về, tôi bỗng như cảm thấy lời ru thiên nhiên đang quanh đây. Đôi lúc, chúng như vỗ về, trách móc và bay bổng theo những tiếng sóng biển lúc rì rào, lúc thổn thức, lúc dập dồn khi gần khi xa. Đâu đó trong tầm mắt, bóng vài chú chim chao lượn trong buổi chiều bàng bạc, ẩn hiện đâu đó giữa trời mù là những đảo nhỏ nằm xa bờ, giống như vài vệt chấm thẫm màu trên mặt biển xanh.
Có vẻ các hòn đảo kia cũng đang lẻ loi giữa biển trời bao la, nên chúng muốn tiến lại gần tôi và kể lại những bể dâu của cuộc đời mênh mông, vô tận.
Dương Thủy