Xu hướng kiến trúc 2019 phản ánh sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng xanh và tối ưu hóa mục đích sử dụng trong ngành xây dựng.
Giải thưởng quốc tế của Học viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) là mơ ước của các kiến trúc sư trên toàn thế giới. Không những ghi được tên mình vào lịch sử ngành kiến trúc, các bản thiết kế đoạt giải cũng sẽ tạo nên xu hướng cho những năm tiếp theo. Đặc biệt, xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường là điểm đặc trưng của những tuyệt tác xây dựng đoạt giải RIBA năm 2018 vừa qua. Qua những tác phẩm này, người xem phần nào hình dung được phong cách và hướng triển khai của những công trình tiêu biểu thế hệ mới.
Tọa lạc tại Formoso do Araguaia, một khu vực tự trị của bang Tocantins ở phía Bắc Brazil, Children Village hiện cung cấp nơi ăn chốn ở cho 540 học sinh của trường Canuana - một trong 40 ngôi trường đang hoạt động thuộc quỹ nhân ái Bradesco - chuyên dạy học cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, giúp các em đổi đời bằng tri thức. Aleph Zero và Rosenbaum cho biết họ đã cùng các học sinh thiết kế nơi này bằng cách cùng ăn cùng ở và tham khảo ý kiến các em rất nhiều, để bảo đảm rằng các em sẽ có cảm giác gần gũi và coi đây là “ngôi nhà thứ hai” của mình.
Phần lớn vật liệu xây dựng công trình là sản phẩm của địa phương, giúp tối ưu hóa chi phí và tăng độ bền. Khung mái nhà phủ bạt được làm từ ván ép chất lượng cao, tường và khung nhà xây bằng gạch bùn dày và gỗ cây bạch đàn có lỗ thông khí giúp giảm thiểu sự oi bức ngột ngạt của mùa hè vùng nhiệt đới.
Khu nhà có diện tích 25.000 m2 bên rìa một khu rừng giúp bảo đảm cho ngôi trường có nguồn không khí trong lành. Có hai khu phức hợp cho nam sinh và nữ sinh, mỗi khu phức hợp đều bao bọc ba khoảng sân trong đó có ký túc xá ở tầng trệt và phòng sinh hoạt chung ở trên lầu.
Bên cạnh yếu tố thiết kế tuyệt vời, gần gũi với tự nhiên, công trình còn có tính nhân văn sâu sắc. Nó giúp các học sinh cảm thấy tự hào về bản thân và góp phần xóa bỏ mặc cảm của các em để các em có thể tự tin hòa nhập với thế giới.
Studio Dwelling làm chủ yếu từ gỗ ép, gạch và kính, có diện tích 450 m2, gần đường giao thông chính và sở hữu một tầm nhìn thoáng rộng ra khu đầm lầy cạnh bên. Công trình có thiết kế như một công sự giúp chắn cái nóng của vùng Colombo lẫn tiếng ồn ào của xe cộ lưu thông nhưng lại có thể phóng tầm mắt ra cảnh quang thiên nhiên của khu đầm lầy. Công trình có thiết kế nhiều khối liền nhau để có thể tạo được nhiều không gian riêng cho nhà ở, nơi làm việc và khu vực giải trí.
Nhà ở kiêm văn phòng kiến trúc sư tại Rajagiriya Srilanka có bốn tầng với các không gian làm việc riêng biệt. Điều đặc biệt là nhà ở kiêm văn phòng này có thể tạo ra một “miền khí hậu” riêng cho mình bằng các vật liệu và thiết bị xây dựng thông minh như kính hai lớp, gạch lỗ dạng bông gió để chống nóng mà vẫn cho phép ánh sáng tràn ngập không gian, lại tạo nhiều hiệu ứng thị giác đẹp mắt. Không gian bên trong và bên ngoài công trình được phủ xanh bằng các loại cây xanh giúp kéo giảm nhiệt độ trong nhà thấp hơn vài độ C so với bên ngoài.
Tạm biệt Sri Lanka, hãy cùng đến đất nước mặt trời mọc để tham quan một công trình đoạt giải khác, đã mở ra một giải pháp cho nhà ở đô thị đông đúc. Tòa nhà 10 tầng nhỏ bé xinh xắn này có hiệu suất khai thác diện tích vô cùng cao, có hai tầng dành cho các cửa hiệu, sáu tầng làm studio và hai tầng kép trên cùng có diện tích 7,5 x 5 m.
Đây là công trình tiêu biểu cho lối sống tối giản nơi mà kiến trúc, kỹ thuật và thiết kế nội thất cùng hòa quyện vào nhau. Kiến trúc sư Ito tin rằng đây sẽ là giải pháp nhà ở cho những đô thị chật chội trên thế giới như Tokyo, Hồng Kông, Jakarta, Manila, TPHCM…
Để đối phó với vấn đề động đất – chuyện “cơm bữa” ở Tokyo – các kỹ sư đã cho “neo” tòa nhà bằng các sợi cáp siêu trọng xuống đất, vừa giúp công trình đứng vững, vừa tăng khả năng chịu tải cho nó. Kết cấu bê tông giúp giảm thiểu tiếng ồn và sự rung lắc từ mặt đường nhưng vẫn cho nhiều không gian giữa các cột trụ và xà ngang. Kích thước xà ngang của mỗi tầng sẽ giảm dần từ dưới lên để tối ưu hóa tải trọng và giảm thiểu quán tính nằm ngang khi có động đất xảy ra.
Lâm Linh