Liên quan đến vụ ngộ độc tập thể làm cho hàng trăm em học sinh của trường Ischool Nha Trang phải nhập viện, tối ngày 21-11, Sở Y tế Khánh Hòa thông tin đã có kết quả phân tích mẫu ghi nhận tác nhân gây ngộ độc là vi khuẩn Salmonella. Vậy vi khuẩn này thường xuất hiện trong thực phẩm nào và nhóm người nào dễ chuyển bệnh nặng nếu mắc phải?
- Vụ nghi ngộ độc tập thể, có một học sinh tử vong tại Ischool Nha Trang: chờ kết quả
- Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm
- Hơn 20 trẻ tiểu học nghi bị ngộ độc thực phẩm tại TPHCM
Theo Sức khỏe & Đời sống, Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh đường tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm từ cấp độ bệnh nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng khi nhiễm khuẩn này là tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày, đau đầu, đau bụng... hoặc nặng hơn là li bì, hôn mê và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Vi khuẩn thường có trong thực phẩm nào?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vi khuẩn Salmonella thường có trong nhiều loại thực phẩm như thịt gà, thịt bò, thịt heo, trứng, rau củ... nhưng sẽ phổ biến ở nhóm thực phẩm giàu protein (thịt) hơn.
Và trong nhóm thịt thì thịt gà là thực phẩm dễ bắt gặp khuẩn này nhất bởi theo một nghiên cứu của CDC, cứ 25 gói thịt gà thì có 1 gói bị nhiễm khuẩn này bày bán tại các cửa hàng thực phẩm. Đặc biệt, khuẩn gặp nhiều hơn ở thịt chưa qua chế biến hoặc sơ chế chưa kỹ.
Thông thường, thực phẩm hay để trong ba môi trường: nhiệt độ phòng, ngăn mát và ngăn đông. Đối với vi khuẩn này, chúng sẽ sống lâu nhất ở ngăn đông, đến môi trường ngoài rồi mới tới ngăn mát. Một lưu ý khi rã đông thịt là phải lau sạch phần rỉ máu còn sót trong tủ, nếu không chúng sẽ là nguồn lây nhiễm chéo cho các thực phẩm khác.
Nhóm người nào dễ chuyện bệnh nặng nếu mắc phải khuẩn Salmonella
Nhận định từ chuyên gia trong ngành, ai cũng có thể mắc phải khuẩn này nhưng nó sẽ tấn công mạnh ở những người có hệ miễn dịch kém do các bệnh lý, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người từ 65 tuổi trở lên. Điều này dễ hiểu bởi hai nhóm người này hệ miễn dịch chưa hoặc không tốt như người ở độ tuổi thanh niên.
Để phòng ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng, một lưu ý cho mọi người phải nhập viện điều trị thật sớm khi gặp một số dấu hiệu như sốt cao hơn 38 độ, tiêu chảy 3 ngày không cải thiện, phân có máu và nôn kéo dài mà do nghi ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết trên plo.vn rằng Salmonella là vi khuẩn được xếp trong nhóm thường gây nên ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn này bị hủy trong vòng một giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng năm phút ở nhiệt độ 100 độ C. Đặc biệt, chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt vi khuẩn.
Phúc Vinh tổng hợp