Tuần lễ không gian Việt Nam (Vietnam Space Week) đã chính thức khai mạc vào hôm nay, 5-6, tại Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Sự kiện được tổ chức nhằm truyền cảm hứng cho giới trẻ về những câu chuyện của phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt trên không gian.
Sau khi diễn ra ở tỉnh Hậu Giang vào ngày 5 và 6-6, Vietnam Space Week sẽ lần lượt được tổ chức ở thành phố Thủ Đức (TPHCM) vào ngày 7-6 và thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vào ngày 8 và 9-6 tới.
Dưới sự hỗ trợ đặc biệt của NASA – National Aeronautics and Space Administration (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ), Vietnam Space Week do UBND tỉnh Hậu Giang, UBND thành phố Thủ Đức (TPHCM), UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Hội tin học TPHCM (HCA) tổ chức. Saigon Times Foudation, Amcham Việt Nam, Innovation Services Center (ISC) và VNFocus là các đơn vị hỗ trợ.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện nêu trên, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch HCA, cho biết đây là lần đầu tiên một sự kiện giao lưu khoa học được tổ chức cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó, tỉnh Hậu Giang được chọn làm địa điểm đăng cai tổ chức. “Sự kiện là cơ hội để các bạn sinh viên, học sinh của tỉnh Hậu Giang và khu vực ĐBSCL tìm hiểu về quá trình cống hiến của các phí hành gia dành cho khoa học”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông, việc các phi hành gia ở ngoài không gian quá lâu để nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ, bao gồm teo cơ, phóng xạ, nguy cơ bị ung thư và hệ thống miễn dịch bị suy giảm, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng.
Chính vì vậy, ông Long cho biết, phi hành gia chính là những tấm gương sáng, là động lực, niềm cảm hứng đại diện cho trí tuệ của con người trong việc khám phá những thành tựu mới cũng như giải đáp những câu hỏi mà nhiều thế hệ con người chưa trả lời được.
“Thông qua sự kiện này, HCA mong muốn các bạn trẻ hãy tiếp tục kiên trì, ấp ủ giấc mơ khám phá khoa học của mình, hãy biến những điều ước thành hiện thực, để một ngày không xa các bạn trở thành tấm gương sáng cho những thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước trên con đường chinh phục không gian”, ông Long nhấn mạnh tại sự kiện.
Trong khi đó, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng hy vọng, qua các hoạt động của Vietnam Space Week sẽ góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về những câu chuyện của phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt trên không gian vũ trụ; chia sẻ những nghiên cứu khoa học làm sao bảo vệ trái đất, tránh ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro va chạm với các hành tinh khác, sự sống ngoài trái đất…
Đồng thời, qua sự kiện cũng giúp củng cố và hình thành kiến thức mới thông qua tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; tạo điều kiện cho học sinh thực hành khám phá khoa học kỹ thuật, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. “Qua đó, định hướng nghề nghiệp và tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm, thúc đẩy tư duy sáng tạo cho thanh thiếu niên”, ông Thanh cho biết.
Tại sự kiện, Cựu phi hành gia của NASA, ông Michael A. Baker đã giao lưu với học sinh các cấp của tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung về quá trình tên lửa được phóng vào không gian cũng như các hoạt động sinh hoạt, nghiên cứu khoa học trong không gian.
Chẳng hạn, đối với quá trình phóng tên lửa, theo ông Michael A. Baker, tên lựa được đặt vào bệ phóng và quá trình này sẽ diễn ra vào ban đêm; nguồn nguyên liệu sử dụng là khí hoá lỏng được đặt trong hai bình chứa lớn giữ nhiệm vụ đẩy tên lửa lên.
Theo vị cựu phi hành gia của NASA, trước khi tên lửa được phóng, mọi thứ phải được kiểm tra an toàn, bao gồm cả nhiệt độ để đảm bảo cho các thành viên phi hành đoàn. “Lúc phóng lên, tốc độ của tên lửa phải vượt qua tỷ trọng của lực hút của trái đất”, ông Baker cho biết và chia sẻ quá trình phóng tên lửa sẽ tạo ra âm thanh rất lớn.
Cũng theo ông Baker, trong hai phút đầu của quá trình tên lửa được phóng, nếu gặp sự cố, các thành viên của phi hành đoàn sẽ bay ra bằng dù. “Trong vòng 7 phút của quá trình bay, tức thắng được tỷ trọng lực của hút trái đất, thì quá trình bay được hoàn thành sau đó”, ông cho biết và thông tin, tốc độ phóng lên có thể đạt đến 50.000 dặm/giờ.
Khi quá trình phóng tên lửa hoàn tất, các bình nhiên liệu khí sẽ tự động được tách ra.
Tại sự kiện, ông Thanh của UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị NASA hỗ trợ địa phương (1) trang bị Trung tâm thực hành trải nghiệm sáng tạo giáo dục STEM/STEAME Robotics và tổ chức nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông; (2) trang bị 1 hoặc một số lớp học thông minh, bao gồm hệ thống phòng học tương tác đa năng phục vụ dạy và học, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học và học liệu số; (3) xây dựng hệ thống đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến về phương thức giáo dục STEM nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh…
Trung Chánh
Theo Kinh tế Sài Gòn Online