(SGTT) - Nhiều người mắc Covid-19 khi khởi phát bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng rõ ràng nhưng sau 7-8 ngày diễn tiến bệnh rất nặng hoặc thậm chí tử vong. Vậy làm thế nào để để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng?
- Sự khác nhau giữa miễn dịch tạo ra do mắc Covid-19 và tiêm vắc-xin
- Sau khi điều trị khỏi Covid-19, F0 cần sử dụng thuốc thêm loại thuốc gì?
- Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người nhiễm Covid-19
Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến nước ta liên tục ghi nhận nhiều ca tử vong.
Các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, thường có triệu chứng yếu dần như suy hô hấp, ho, sốt... Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, hiện đã ghi nhận một số trường hợp không triệu chứng nhưng bất ngờ chuyển nặng nhanh, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong trong một số trường hợp.
Đáng chú ý hơn, hiện nay đã có một số trường hợp xét nghiệm 2 lần đầu cho ra kết quả âm tính nhưng lần thứ 3 là dương tính với Covid-19. Nhiều người đặt ra câu hỏi “Liệu bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là khi nhiễm biến chủng mới sẽ có diễn biến bệnh khó lường và khó phát hiện hơn? Vậy làm thế nào để để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng?”
Lý giải vấn đề này trong chương trình tư vấn trực tuyến “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho người nhiễm Covid-19” do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức, ThS. BS Nguyễn Tiến Hưng, Giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết trong bệnh cảnh Covid-19, bệnh thường có diễn tiến theo chu kỳ xâm nhập và phát triển của virus. Ở giai đoạn ủ bệnh là từ 2-7 ngày, người bệnh thường không có dấu hiệu hoặc các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp như ho, ngứa, đau họng…
Đến giai đoạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể là từ 3-5 ngày, người bệnh bắt đầu có những triệu chứng toàn thân rầm rộ như sốt, buồn nôn, mất khứu giác hoặc vị giác, mệt mỏi toàn thân, tiêu chảy… Sau thời gian này thường là thời điểm phục hồi.
Tuy nhiên, đặc điểm của virus SARS-CoV-2 khác các virus cúm hay các chủng virus khác ở chỗ sự xâm nhập và phát triển của virus có thể kích hoạt các phản ứng quá mức của hệ miễn dịch nên thông thường bệnh nhân có thể thấy khi cơ thể bắt đầu thuyên giảm các triệu chứng sốt, ho… từ ngày thứ 5 trở đi, chúng ta nghĩ rằng bệnh thuyên giảm nhưng thật sự đây mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh Covid-19, BS Hưng nhấn mạnh.
BS Tiến Hưng lưu ý với một số trường hợp có vẻ như người bệnh thuyên giảm nhưng sau đó hoàn toàn có thể trở nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong nếu không được theo dõi kỹ. Hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mức đối với các kích thích ở cơ thể từ bên ngoài diễn ra cụ thể trên từng người bệnh. Điều này phụ thuộc vào mức độ phản ứng miễn dịch của cơ thể với sự xâm nhập và phát triển của virus.
Với bệnh nhân mắc Covid-19, thời gian ủ bệnh, lây truyền sang người khác có nhiều thay đổi phức tạp, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Vì vậy, người bệnh Covid-19 nên được theo dõi kỹ các triệu chứng và dấu hiệu nguy hiểm từ khi có các triệu chứng đầu tiên và liên tục trong ít nhất 14 ngày. Các bệnh nhân phải luôn cảnh giác, cách ly an toàn và theo dõi sát sao ngay cả khi ít xuất hiện triệu chứng.
Minh Thảo
Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.