Thứ tư, Tháng Một 29, 2025

Về Phú Vinh khám phá nghề mây tre đan trăm năm tuổi

Du lịchHành trình - Điểm đếnVề Phú Vinh khám phá nghề mây tre đan trăm năm tuổi
(SGTT) – Với hàng trăm năm lịch sử, làng nghề mây tre đan Phú Vinh thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Hà Nội, gắn liền với sự phát triển kinh tế, văn hóa của người dân địa phương.

Theo báo Hà Nội Mới, Hà Nội là nơi quy tụ số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Phú Vinh cũng có chỗ đứng nhất định trong “bản đồ” đó.

Mỗi làng nghề truyền thống của Hà Nội đều có những nét đặc sắc tạo nên thương hiệu, như làng lụa Vạn Phúc với sản phẩm lụa tơ tằm mềm mại, tinh tế, hay làng gốm Bát Tràng với đồ gốm sứ tinh xảo. Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh cũng có những điểm độc đáo so với các làng nghề mây tre đan khác trong cả nước.

Nghề mây tre đan có mặt ở Phú Vinh từ những năm 1700. Làng Phú Vinh ban đầu có tên là Phú Hoa Trang, mang ý nghĩa là ngôi làng được "trời phú cho người dân có bàn tay khéo léo".

Theo thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Hà Nội, ngày xưa, Phú Hoa Trang nổi tiếng với bãi Cò Đậu, nơi có rất nhiều cò, và người dân đã bắt đầu dùng lông cò để làm mũ, nón. Dần dần, nghề mây tre đan ra đời khi người dân tìm các vật liệu khác như tre, mây, giang để sản xuất đồ gia dụng.

Đến năm 1800, làng đổi tên thành Phú Vinh, có nghĩa là phú quý và vinh hiển, tượng trưng cho sự đi lên và trường tồn của làng nghề.

Các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh kết tinh sức sáng tạo và sự cần cù của người dân nơi đây. Sự bền bỉ bám nghề và sáng tạo không ngừng đã giúp nhiều thế hệ người làng giữ vững và phát triển nghề truyền thống.

Công đoạn sản xuất mây tre đan rất cầu kỳ, bắt đầu từ việc lựa chọn nguyên liệu, tuốt, phơi, chẻ nan... sau đó sấy khói hoặc phơi nắng để đạt màu sắc đẹp tự nhiên. Một trong những công đoạn quan trọng là chẻ nan, yêu cầu người thợ phải có tay nghề cao và tinh tế.

Mặc dù trước đây mọi công đoạn đều làm bằng tay, nhưng hiện nay, một số công đoạn như chẻ nan, đã được máy móc hỗ trợ, giúp sản xuất nhanh chóng và chính xác hơn.

Để phù hợp với nhu cầu thị trường, một số cơ sở sản xuất ở Phú Vinh đã chuyển hướng từ đồ gia dụng sang các sản phẩm mỹ nghệ, trang sức và sản phẩm phục vụ du lịch. Xóm Thượng, xóm Hạ, Đầm Bung, Gò Đậu... của làng Phú Vinh đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích nghề mây tre đan.

Theo tìm hiểu, thôn Phú Vinh đã xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm mây tre đan, mở cửa đón tiếp khi có đoàn tham quan và sơ đồ hóa các điểm tham quan du lịch trên địa bàn như vị trí nhà các nghệ nhân, cổng cổ, chùa, cây cổ thụ… để phục vụ du khách tham quan.

Các gia đình nghệ nhân trong làng đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm quà tặng bằng mây, đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và đồng thời để lại ấn tượng về một làng quê yên bình, với những con người khéo léo.

Các sản phẩm của làng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Từ những đồ gia dụng như thúng, mủng, sàng, túi xách, hộp, đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chao đèn, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn ghế… đều mang đậm dấu ấn của người Phú Vinh.

Mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh không chỉ đơn thuần là vật dụng mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật và mỹ thuật công phu, đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.

Các nghệ nhân Phú Vinh đã sáng tạo ra nhiều kiểu đan như đan xương cá, kết hình hoa, tạo hình hoa văn nổi trên các sản phẩm... mang lại vẻ đẹp tinh tế, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống trăm năm.

Những cơ sở sản xuất tại đây vẫn luôn trau dồi kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân trong và ngoài nước qua các cuộc hội thảo về mây tre đan, giúp sản phẩm ngày càng sáng tạo và hoàn thiện hơn.

Hiện, nghề mây tre đan Phú Vinh đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động và góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc mà cha ông để lại cho người Phú Vinh. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh được công nhận là làng nghề truyền thống của Hà Nội vào năm 2002.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao thành phố Hà Nội, báo Hà Nội Mới 

Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục