(SGTT) – Trong đời sống văn hóa ẩm thực của người dân Đà Nẵng và miền Trung, mực cơm là thực phẩm không thể tách rời. Dù trên chuyến tàu ra khơi hay bữa cơm gia đình chiều muộn, những món ăn từ mực cơm vẫn là lựa chọn thường thấy.
- Đà Nẵng: Ghé làng trồng rau sạch nghe kể chuyện làm du lịch
- Đà Nẵng: người dân hào hứng với phong trào tập thể thao ngoài bãi biển
- Đà Nẵng: người dân hào hứng với phong trào tập thể thao ngoài bãi biển
Theo ngư dân, mực cơm hay còn gọi là mực trứng, mực sữa với thân hình nhỏ, màu nâu tím đặc trưng. Để sơ chế mực cơm, mọi người thường bỏ nội tạng và túi mực, kéo bỏ phần nang ra và giữ lại phần trứng. Tiếp đến, dùng rượu khử mùi tanh của mực rồi chế biến thành các món ăn hấp dẫn.
Mực cơm nướng: Mực cơm nướng chế biến không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nướng trên lửa than liu riu, không để lửa quá già. Có thể dùng vỉ hoặc dùng que tre xiên vào từng con mực. Khi mực chuyển sang màu vàng cùng hương thơm phức tỏa ra là đã có thể thưởng thức. Mực nướng chấm với muối ớt, tương ớt, nước mắm gừng tỏi đều ngon.
Mực cơm hấp gừng: Mực làm sạch ướp với muối, tiêu, hạt nêm, đường. Xếp mực vào nồi hấp cách thủy cùng vài lát gừng tươi giã dập. Hấp gừng vừa chín tới, thịt mực phải căng phồng, da chuyển màu hồng tím. Mực cơm hấp ăn cùng hành tây, chuối chát, khế chín, dưa leo, rau húng, rau răm, diếp cá, khế chua.
Mực cơm nhúng dấm: Nấu sôi hỗn hợp gồm dấm gạo, nước dừa, muối, đường, hành tây, gừng sợi, hành tím và sả đập dập. Nước dấm đang sôi nhúng mực vào vừa chín, cuốn bánh tráng và rau sống, chấm nước mắm chua ngọt.
Mực cơm nấu cháo: Gạo tẻ đem vo sạch, để cho ráo. Mực cơm nếu con lớn thì cắt khoanh mỏng vừa ăn. Các nguyên liệu khác như cà rốt, rau thơm rửa sạch với nước để ráo. Sau đó, nấm và hành tím cắt lát mỏng, lấy 1 muỗng cà phê hành tím đem băm nhuyễn. Hành lá, ngò rí, cà rốt đem cắt nhuyễn, gốc hành lá giữ lại.
Bắc chảo lên bếp, cho lượng dầu vừa đủ và hành tím cắt lát vào, phi vàng với dầu phộng cho thơm. Sau đó, vớt ra rồi cho hành tím băm nhuyễn vào, tiếp tục phi thơm. Cho tiếp mực đã sơ chế cùng ¼ muỗng cà phê hạt nêm, tiêu bột vào xào chung với lửa lớn cho đến khi săn lại.
Bắc nồi khác lên bếp, cho gạo vào rang hơi vàng thì thêm nước dùng vừa đủ vào. Nấu đến khi cháo nhừ là đạt. Sau đó, cho nấm rơm, cà rốt vào và khuấy đều. Nấu khoảng 5 phút thì cho mực đã xào cùng gốc hành, phần hạt nêm và đường còn lại vào, tiếp tục khuấy đều và nêm nếm lại trước khi tắt bếp.
Mì Quảng mực cơm: Cho dầu ăn vào nồi, thêm củ nén phi thơm rồi cho mực vào xào. Tiếp đến, cho nước dùng nấu với lửa lớn khoảng 10 - 15 phút thì thêm cà chua, dứa và hành tây vào nấu thêm 5 phút. Cuối cùng, rắc ít hành lá cho vào nồi và chan lên mì quảng đã chuẩn bị trong tô trước đó.
Đặt nồi lên bếp và cho vào nồi 2 muỗng canh dầu ăn, đợi dầu sôi cho thêm củ nén vào phi cho thơm rồi cho mực cơm đã ướp gia vị vào xào khoảng 15 phút cho hỗn hợp thấm gia vị. Tiếp đến, cho thêm nước dùng vừa đủ, nấu với lửa lớn khoảng 10 - 15 phút khi hỗn hợp sôi thì cho tiếp cà chua, dứa chín và hành tây (đã cắt múi cau) vào nấu thêm 5 phút nữa, nêm thêm gia vị vào nồi cho vừa ăn. Cuối cùng, rắc ít hành lá đã cắt nhỏ lên nước lèo, tắt bếp.
Tiên Sa