Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Tuy An (Phú Yên) bàn cách bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất trong du lịch

(SGTT) - Trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Phú Yên, tâm tình đá và nước” vừa diễn ra tại thác Vực Hòm, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên ngày 18-11 vừa qua, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi, khơi gợi những tiềm năng, giá trị di sản địa chất độc đáo trong phát triển du lịch của huyện cũng như đề xuất những giải pháp về du lịch bền vững, du lịch xanh tại đây.

Đây cũng là lần đầu tiên tại tỉnh Phú Yên, một buổi chia sẻ về tiềm năng du lịch được tổ chức ngay chân thác nước, một trong những cảnh đẹp của địa phương. Buổi tọa đàm do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng UBND huyện Tuy An tổ chức với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Kinh doanh F88.

Phát huy giá trị di sản địa chất trong phát triển du lịch

Chia sẻ tại buổi trò chuyện, ông Nguyễn Danh Hạnh, Ban Quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch tỉnh Phú Yên, cho rằng kiến tạo địa chất tại huyện Tuy An có giá trị cao về mặt khoa học, thẩm mỹ, giáo dục… qua đó tạo tnên những điểm du lịch hấp dẫn, ấn tượng và mới lạ cho du khách.

Nói về lý do huyện Tuy An nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung sở hữu giá trị di sản đặc sắc đó, ông Hạnh cho rằng có bốn yếu tố chính.

Thứ nhất, Phú Yên có hai dãy núi lớn chắn ngang và đâm thẳng ra biển là dãy Cù Mông ở phía Bắc và dãy Đại Lãnh ở phía Nam. Ở giữa hai dãy núi là sông Ba – con sông duy nhất ở miền Trung thông đến Tây Nguyên. Từ đó hình thành nên đứt gãy sâu sông Ba - nét đặc sắc của địa chất Phú Yên, gây ra các sự kiện biến chất khu vực lớn. Đây là giá trị địa chất lớn, độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm quốc tế.

Thứ hai, nhiều dãy núi đâm sát biển, khiến bờ biển Phú Yên trở nên độc đáo, xen lẫn núi và biển, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.

Thứ ba, do quá trình hoạt động địa chất khoảng 10 triệu năm trước đây, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hoạt động của núi lửa, phun trào nham thạch, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, hình thành nên đá bazan dạng cột như ở Gành Đá Đĩa, thác Vực Song, thác Vực hòm. Những cột đá bazan tại Phú Yên có ý nghĩa khoa học và du lịch cao, tương đương với những di sản ở Jeju (Hàn Quốc) hay thác Svartifoss (Iceland).

Thứ tư, quá trình hoạt động địa chất tại Tuy An, đặc biệt là các mỏ diatomite. Ở trong các mỏ diatomite chứa đựng hóa thạch động – thực vật mà khi khai thác các mỏ này sẽ như mở từng trang sách về thời gian khoảng 20 triệu năm trước.

“Dạng đá bazan dạng cột có nhiều ở miền Trung, Tây Nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Ngãi…, tuy nhiên ở Phú Yên là được các nhà khoa học đánh giá là điển hình nhất, với các khối đứt gãy theo đường lục giác, bát giác, tuổi địa chất từ 500.000 năm đến 5 triệu năm, điểm hình là Gành Đá Đĩa. Riêng tại cụm thác Vực Song, Vực Hòm, kiến tạo địa chất tại đây bắt đầu từ 5 đến 10 triệu năm trước, biểu hiện cho hoạt động kiến tạo nâng lên, sụt xuống, tạo nên thác nước kỳ vĩ, lộ ra những cột đá bazan độc đáo”, ông Hạnh nói thêm.

Với các đặc điểm và giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể, và đa dạng sinh học như vậy, tỉnh Phú Yên rất có tiềm năng và triển vọng trong tương lai gần được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, bàn đạp nhằm phát triển du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Danh Hạnh cho rằng, về cơ bản, UNESCO đã đồng ý Phú Yên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Theo đó, UNESCO yêu cầu hoạt động của công viên địa chất toàn cầu sau khi được công nhận phải đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng người dân địa phương.

Buổi tọa đàm “Phú Yên, tâm tình đá và nước” vừa diễn ra tại khu vực thác Vực Hòm, xã An Lĩnh, huyện Tuy An. Ảnh: Dũng Vũ

Việc xúc tiến các thủ tục, tiến đến đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu còn góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, hạn chế những tác động tiêu cực vào khoáng sản, hệ sinh thái và môi trường ven biển…

Đa dạng loại hình du lịch tại Tuy An

Bên cạnh phát triển loại hình du lịch biển đảo, thì du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh cũng được huyện Tuy An chú trọng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, chia sẻ so với các địa phương khác trong tỉnh, Tuy An chiếm gần một nửa danh lam thắng cảnh được công nhận cấp quốc gia. Ngoài ra, Tuy An có khoảng 53 di tích lịch sử, văn hóa được tỉnh công nhận và đang hoàn thiện thủ tục.

Kiến tạo địa chất độc đáo tại thác Vực Song. Ảnh: Trần Minh

Những điểm du lịch mới dưới góc nhìn địa chất tạo nên những điểm đến ấn tượng tại Tuy An như Di tích Quốc gia đặc biệt gành Đá Đĩa, cụm thác Vực Hòm - Vực Song, Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia quần thể Hòn Yến, Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia đầm Ô Loan… 

 

Sự kết hợp độc đáo giữa đá và nước, cùng giá trị di sản địa chất đã tạo nên sự khác biệt của du lịch Tuy An so với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, tiền nhân Phú Yên đã biết sử dụng chất liệu đá, đất làm công cụ lao động, tạo dựng công trình làm nhạc cụ (đàn đá, kèn đá Tuy An…). Đến Tuy An, du khách cũnh có thể viếng thăm chùa Đá Trắng – nơi có cây xoài tiến vua, được công nhân là "cây di sản". Đây là những yếu tố góp phần phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch tâm linh của địa phương.

Các di sản văn hóa phi vật thể khác ở Tuy An cũng khá phong phú, độc đáo như nghệ thuật bài chòi, hò bả trạo của cư dân ven biển, nghề gốm, nghề làm thuyền thúng chai, nghề làm muối, làng nghề nước mắm ở An Hòa, làng nghề dệt chiếu cối An Cư… góp phần đa dạng trải nghiệm cho du khách khi đến Tuy An.

Phát triển du lịch xanh, bền vững, hướng đến lợi ích cộng đồng địa phương

Anh Hý Du Ký, thành viên nhóm A litte Vietnam, chia sẻ anh đã từng đi đến đảo Jeju Hàn Quốc, cũng có giá trị địa chất độc đáo tương tự Phú Yên. Tuy nhiên, có quá nhiều dịch vụ nhân tạo tại đây sẽ làm mất đi yếu tố thiên nhiên. Do đó, khi xuống thác Vực Hòm, cảnh sắc hoàn toàn nguyên sơ, cảm giác hòa mình với thiên nhiên khiến anh thấy rất thú vị.

Hy vọng địa phương khi xây dựng bất cứ đề án phát triển du lịch nào cũng sẽ chú trọng đến việc giữ gìn, duy trì yếu tố tự nhiên, giữ lại nét hoang sợ và bắt kịp xu hướng du lịch xanh hiện nay. "Khi đó, du khách cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chung tay với địa phương bảo tồn và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên”, anh Hý nói.

Bên cạnh đó, đại diện A litte Vietnam cũng cho rằng để quảng bá du lịch địa phương, thì Tuy An - Phú Yên đừng nên nhấn mạnh quá nhiều về cảnh đẹp mà hãy chú trọng hơn trong việc giới thiệu những nét độc đáo của địa phương như kiến tạo địa chất lên đến hàng triệu năm của các thắng cảnh Vực Song, Vực Hòm. "Điều này sẽ khiến những người trẻ yêu du lịch như tôi thấy tò mò và bị thôi thúc được khám phá hơn. Khi tận mắt chứng kiến thì sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của các cảnh đẹp", anh Hý nói.

Ngoài ra, Phú Yên có thể học hỏi và rút kinh nghiệm việc làm du lịch từ những địa phương đã được công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu từ việc quảng bá đến bảo tồn và phát huy giá trị; từ đó khai thác tối đa lợi thế có được từ danh hiệu này.

Ngành du lịch Tuy An sẽ đẩy mạnh phát huy giá trị di sản địa chất trong du lịch, hướng đến lợi ích cộng đồng địa phương. Ảnh: Trần Minh

"Đã nghe nhiều về thác Vực Hòm, nhưng khi đi qua một quãng đường khá khó khăn, khi đến thác, cảm nhận làn hơi nước mát lạnh thổi vào da thịt khiến tôi cảm thấy vô cùng ấn tương. Thế mới thấy, du lịch gắn với thiên nhiên luôn mang đến cho du khách những điều bất ngờ", anh Han Vietnam nói.

Có thể du lịch Tuy An chưa cần phát triển nhanh, bùng nổ trong 5-10 năm tới mà hãy làm sao giữ gìn và chuyển tải vẹn nguyên cảnh đẹp cùng những trải nghiệm thú vị cùng thiên nhiên hoang sơ mà anh Han Vietnam cảm nhận ngày hôm nay đến con cháu của 100-200 năm sau, thành viên nhóm A litte Vietnam chia sẻ.

“Nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, huyện Tuy An tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, huyện cũng từng bước đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện để tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Hoàng nói.

Huyện Tuy An nằm ở ven biển, giữa thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Trung tâm huyện cách thành phố Tuy Hòa khoảng 25km đi về hướng Bắc. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tuy An phát động phong trào mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch; hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững.Song song với đó, huyện cũng huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đô thị... Tuy An phấn đấu đến năm 2024 sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV và được công nhận thị xã vào năm 2025.

Nguyễn Phong 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nóng hổi thố bánh canh cua có thêm bào ngư ăn...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, thực khách dễ dàng tìm thưởng thức món bánh canh cua, nhưng để món ăn này luôn nóng hổi trong...

Nhâm nhi thức uống, ngắm bầy gấu mùa đông ở Daisy...

0
(SGTT) - Daisy Cafe là tiệm thức uống thường thay đổi các concept bài trí để phục vụ tín đồ lê la cà phê...

Thưởng thức gỏi cuốn, bún mì xào tại chợ ‘đan xéo’...

0
(SGTT) - Có điểm độc đáo bởi sự đan xen những con hẻm trong khu chợ, chợ Bàn Cờ, quận 3 còn thu hút...

Du lịch Phú Yên kỳ vọng tiếp tục lập ‘cú hích’...

0
(SGTT) - Tháng 11-2023, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã phối hợp với tỉnh Phú Yên công bố...

TPHCM chưa thể di dời toàn bộ 16 chung cư hư...

0
(SGTT) - TPHCM mới chỉ di dời được một nửa số chung cư cấp D thuộc dạng hư hỏng nặng, nguy hiểm. Nguyên nhân...

‘Lạc lối’ trong mùa hoa Đà Lạt những tháng cuối năm

0
(SGTT) - Đà Lạt những tháng cuối năm không chỉ “níu chân” du khách bởi không khí se lạnh mà còn bởi hương sắc...

Kết nối