Khánh Ngân -
TS.BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nhiều người tưởng mình, người thân bị tâm thần, u não… nhưng đi khám, xét nghiệm hóa ra là nhiễm giun đũa chó (dân gian hay gọi là sán chó). Tương tự, lại có người bị mờ mắt, cứ tưởng bị cận-viễn-loạn thị hay viêm loét giác mạc, nhưng đi khám cũng mới phát hiện thủ phạm là giun đũa chó...
Đây là bệnh lý rất phổ biến hiện nay và nếu chẳng may ấu trùng giun đũa chó phát tán đến não, tim, phổi có thể dẫn đến tử vong do viêm cơ tim, suy hô hấp, hôn mê sâu.
Khó phát hiện nguyên nhân
Một bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm giun đũa chó được khám tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bà Lê Thị P., ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định bị chứng đau đầu và khó ngủ. Lúc đầu, bà uống thuốc nam như nhãn lồng, ăn lá ngải cứu để ngủ ngon nhưng chẳng thuyên giảm. Sau đó, bà đi khám ở bệnh viện địa phương thì được chẩn đoán bị rối loạn giấc ngủ và kê một mớ thuốc, trong đó có thuốc an thần. Sau khi hết thuốc, tình trạng mất ngủ, đau đầu của bà P., càng nhiều hơn. Bà chuyển qua châm cứu, bấm huyệt, cũng chẳng ăn thua. Bà lại đến bệnh viện khác khám, bác sĩ sau khi chụp CT chẩn đoán bà bị u não. Cả nhà lo lắng không yên, lập tức đưa bà vào TPHCM khám và chuyến đi ấy hầu như chẳng ai nói với nhau câu nào vì mọi người đều im lặng cầu nguyện bệnh của bà chữa khỏi.
Bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám, sau khi nghe bà kể về tình trạng mất ngủ, đau đầu và hành trình chữa bệnh khắp nơi, bác sĩ cho bà đi làm các xét nghiệm, trong đó có thử ký sinh trùng. Kết quả phát hiện bà dương tính với ký sinh trùng Toxocara (giun đũa chó) và bạch cầu ái toan tăng vì gia đình nuôi nhiều chó nên bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm giun đũa chó và cho thuốc uống. Sau hai tuần uống thuốc, bà đã dứt hẳn những cơn đau đầu và không còn mất ngủ nữa. Cả nhà bà P., nhẹ nhõm vì vừa tìm được bệnh, vừa trút được cái bệnh u não đáng sợ kia.
Một bệnh nhân khác ở quận Thủ Đức, TPHCM cảm thấy ngứa ngáy khắp người và nổi mẩn đỏ. Anh nghĩ mình bị dị ứng nên ra hiệu thuốc mua uống và kiêng hải sản, thịt gà, thịt bò. Kết quả, càng ngày anh càng bị ngứa hơn. Vài tháng sau, những mẩn đỏ nổi thành cục to bằng đầu ngón tay, nổi thành từng mảng như mề đay nên anh đi khám da liễu và được chẩn đoán bị chàm. Bác sĩ kê thuốc uống, thuốc thoa, thuốc cắt cơn ngứa Teifast nhưng chỉ dịu được một vài hôm thì anh lại bị ngứa dữ dội hơn. Sau đó Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM xác định anh nhiễm ký sinh trùng giun đũa chó. Ấu trùng này vào cơ thể làm cơ thể phản ứng chống lại chất lạ (kháng nguyên) nên gây phản ứng ngứa.
Nguy cơ mắc bệnh cao
Trước đây, khi nói đến bệnh nhiễm giun đũa chó, mọi người thường nghĩ là bệnh ở vùng quê, nông thôn khi mà điều kiện vệ sinh kém và nuôi chó mèo nhiều. Thế nhưng, quan niệm này chưa hẳn chính xác vì theo BS. Lê Quốc Hùng, hiện nay có khá nhiều người dân thành phố bị nhiễm ký sinh trùng này, bất kỳ ở nơi nào có nuôi chó hay tiếp xúc với chó đều có nguy cơ cao mắc bệnh. Bởi trứng giun đũa chó tồn tại trong ruột của chó, khi chúng phóng uế thì trứng được phát tán khắp nơi, bay lơ lửng trong không khí nên có nguy cơ hít phải hay ăn vào khi trứng bám trên thức ăn, vật dụng… Khi vào cơ thể người, trứng phát triển thành ấu trùng rồi di chuyển khắp nơi ở các cơ quan nội tạng và các mô. Ngoài gây dị ứng ngứa, ký sinh trùng này còn tạo ổ chứa ấu trùng giun với các tổ chức viêm ở nhiều phủ tạng như gan, phổi, mắt, não và nhiều tạng phủ khác và có thể nhầm lẫn với các khối u.
Khi ấu trùng này đi đến cơ quan nào sẽ gây viêm ở nơi đó, mà với những cơ quan quan trọng như tim, não, mắt… nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, ấu trùng giun đũa chó sẽ gây đau đầu, loạn thần, hôn mê, mù mắt hay viêm cơ tim và có thể gây tử vong.
Dưới đây là những triệu chứng từ giun đũa chó nhưng dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác.
- Mất ngủ, đau đầu: ấu trùng giun đũa chó di chuyển đến não, sẽ gây tổn thương ở vùng này. Tùy vào số lượng và vị trí ấu trùng “làm tổ” mà người bệnh có biểu hiện nặng hay nhẹ. Triệu chứng điển hình với biến chứng lên não của ký sinh trùng này là đau đầu, nói nhảm, yếu liệt người, hôn mê… Thường khi có dấu hiệu này, người bệnh hay được khám bệnh ở chuyên khoa thần kinh và có không ít người được chẩn đoán là do căng thẳng, stress, bệnh tâm thần, chứng đau nửa đầu (migraine) thậm chí là u não. Vì khi chụp CT não có thể bị nhẫm lẫn giữa khối u với “tổ kén” của ký sinh trùng giun đũa chó.
- Ho, khó thở: khi ấu trùng di chuyển đến phổi có thể gây sưng, viêm phổi và được biểu hiện bằng các triệu chứng: mệt mỏi, khó thở. Do đó, người bệnh sẽ được khám về hô hấp và có thể được chẩn đoán không chính xác và điều trị không đúng phác đồ là chuyện không hiếm.
- Đau nhói, tức ngực, thở mệt: đây là những triệu chứng điển hình của bệnh về tim mạch, nhưng khi ấu trùng giun đũa chó xâm nhập vào tim cũng có thể gây ra những triệu chứng này với bệnh viêm cơ tim. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, cùng với não và nếu phát hiện và điều trị chậm trễ có thể đe dọa đến tính mạng.
- Mắt yếu, nhìn mờ, nhức mắt: là triệu chứng thường gặp với những bệnh lý tật khúc xạ mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị. Nhưng cũng là dấu hiệu điển hình khi ấu trùng tấn công lên vùng mắt, có thể gây viêm loét giác mạc và dẫn đến mù.
Do đó, với những gia đình có nuôi chó hay có nếu có tiếp xúc chó mèo và có dấu hiệu ngứa bất thường và kéo dài thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa để khám. Tuyệt đối, không được tự điều trị, vì uống thuốc trị giun đũa chó không đúng chỉ định dễ bị viêm gan do thuốc.
Để phòng tránh bệnh này, không ôm hôn, bồng bế và ngủ chung với chó. Không để chó phóng uế bừa bãi và cần tẩy giun định kỳ cho chó. Đặc biệt, nên vệ sinh tay sạch sẽ, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.