(SGTTO) - Mới đây, cao lầu Hội An được vinh dự lọt vào danh sách các món ăn làm từ sợi mì gạo có sức hút nhất châu Á do kênh truyền hình CNN của Mỹ bầu chọn. Với phần nước dùng đậm đà, những miếng thịt heo được chiên thơm lừng cùng sợi mì dai ngon đặc biệt, mì cao lầu không chỉ là món ăn ưa thích của người địa phương mà nó còn được lòng rất nhiều thực khách tứ phương.
Điều gây tò mò nhất về món ăn này chắc có lẽ chính là ở tên gọi. Cái tên lạ tai này có lẽ bắt nguồn từ tiếng Hoa, chỉ những món cao lương mỹ vị. Bên cạnh đó, khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.
Cùng với mì Quảng, cao lầu cũng là món ăn nổi tiếng làm nên đặc trưng của nền ẩm thực miền Trung nói chung và Hội An nói riêng. Thế nhưng, không phải ai cũng đủ tinh tế để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa mì Quảng và mì cao lầu, thậm chí còn có nhiều người còn nhầm lẫn hai món ăn này. Thực tế, mì Quảng và cao lầu có đều những đặc trưng, khác biệt từ thành phần món ăn cũng như cách chế biến, tạo nên cái riêng nhưng cũng mang đậm bản chất văn hóa và con người xứ Quảng.
Về sợi mì, sợi mì Quảng và mì cao lầu đều được làm từ nguyên liệu chung là bột gạo, thế nhưng có thể nói quy trình làm mì cao lầu có phần kỳ công hơn rất nhiều. Ở Hội An, người dân không gọi cao lầu là sợi mì, mà sẽ gọi là bánh cao lầu. Bánh cao lầu ngắn hơn mì Quảng một chút. Đầu tiên, gạo thơm phải được đem ngâm với nước tro củi tràm, được lấy từ mảnh đất Cù Lao Chàm, chỉ có như vậy sợi bánh mới dai dẻo và có màu vàng nhạt như pha nghệ. Gạo sau khi đã lọc kỹ phải được xay với nước giếng Bá Lễ, vì người dân địa phương tin rằng nước giếng ở đây không bị phèn và mát lạnh, sợi bánh làm ra mới có thể ngọt và khô đúng ý muốn. Thế mới thấy, sợi bánh chính là thứ làm nên linh hồn của món ăn này.
Một điểm khác nhau nữa giữa hai món ăn này đó chính là bánh tráng ăn kèm, với mì Quảng, người ta thường lấy bánh đa, loại bánh có mè đen, bẻ nhỏ và trộn hoặc ăn kèm với mì Quảng. Nhưng với cao lầu, người ta thường sử dụng bánh tráng dùng làm ram bắp, xếp lại rồi đem chiên lên, trở thành một thứ bánh mà người Hội An gọi là bánh giòn, có màu nâu sậm rồi bỏ vào ăn kèm với cao lầu. Nhiều nơi còn thay thế bánh tráng bằng da heo giòn rụm ăn cũng rất bắt vị.
Nét hấp dẫn của cao lầu Hội An chính là sự cân bằng trong hương vị, gắp một đũa và cảm nhận sự dai dai của sợi bánh đã thấm vị beo béo thơm ngon từ thịt xá xíu, hòa quyện với miếng bánh chiên giòn rụm, thêm ít rau sống thanh đạm được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An cân bằng lại vị đậm đà của nước dùng, ăn kèm với ớt rim Hội An nữa là vừa đủ để tạo nên một phong vị xao xuyến khó cưỡng. Cao lầu quả xứng danh là cao lương mĩ vị của Hội An, khiến thực khách ăn một lần mà cứ nhung nhớ mãi thôi.
Tại TPHCM, có một số quán ăn, nhà hàng chuyên món ăn miền Trung có bán mì cao lầu. Bạn có thể ghé tới một số địa chỉ sau để thưởng thức món mì trứ danh của phố cổ Hội An: Hội phố Cao Lầu (quận 10), vị Quảng Cao Lầu (quận Phú Nhuận), Boong Cao Lầu (quận 1), mì Quảng Cao Lầu Hội An (quận Tân Phú), FaiFo quán - ẩm thực miền Trung (quận 1)... Theo đó, một phần mì Cao Lầu có giá bán khoảng 40.000 - 60.000 đồng.
Bạn muốn chiêu đãi người thân, bạn bè món mì Cao Lầu tại nhà cũng không quá khó, hãy thử công thức sau nhé!
Lâm Như tổng hợp