(SGTTO) - Nếu so sánh với nhiều món bún khác, bún mọc có vẻ ngoài ít màu sắc và không mấy bắt mắt. Song, món bún có xuất từ Hà Nội này lại có hương vị ngọt thanh, rất dễ ăn, mang lại cảm giác nhẹ nhàng và tinh khiết cho thực khách. Cũng là bún, thịt, chả quen thuộc, nhưng bún mọc lại thơm ngon, hấp dẫn nhờ cách chế biến tinh tế của người Hà Nội.
Ẩm thực Hà Nội, đặc biệt là các món nước thường có hương vị tao nhã, nhạt và thanh. Bún mọc cũng có mặt trong danh sách các món ăn đặc trưng này. Nhờ dễ chế biến, hương vị nhẹ nhàng mà ngon miệng, phù hợp với nhiều lứa tuổi, bún mọc đã nhanh chóng được lòng thực khách khắp nơi, kể cả TPHCM. Món ăn này len lỏi cả những quán ăn vỉa hè đến các quán ăn, nhà hàng lớn.
Cái tên bún mọc được lấy từ làng Mọc (làng Nhân Mục - Nhân Chính), nơi khai sinh món bún này, nay là quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhiều nơi nói trại thành "mộc", xong dù là "mọc" hay "mộc" thì món ăn này cũng mang một nét mộc mạc, giản dị mà thanh tao. Bún mọc là sự kết hợp giữa bún tươi, chan nước hầm xương, ăn kèm mọc là giò sống được trộn cùng nấm hương và chả quế. Bún mọc chỉ có màu sắc tự nhiên từ nước xương và màu thịt heo được nấu chín, điểm xuyết màu nâu đen của nấm hương hoặc mộc nhĩ, hành lá.
Vì không có nhiều món ăn kèm hay gia vị, phần nước dùng chan bún mọc thường được chăm chút rất kỹ lưỡng. Cụ thể, sườn non hoặc xương heo nạc, xương ống được hầm nhừ, hớt bọt nhiều lần để có nước dùng trong vắt. Món ăn Hà Nội thường không nêm ngọt bằng đường, nên nước dùng vẫn nghe mùi rõ mùi thơm từ xương, thịt và ngọt thanh tự nhiên.
Phần mọc chính là giò sống (thịt heo xay nhuyễn, dẻo quánh để làm các loại chả). Giò sống muốn ngon thì phải dùng thịt nạc dăm tươi ngon, xay cùng hành tím, tiêu và đặc biệt phải nêm nước mắm ngon thì mới dậy mùi thơm. Giò sống được trộn cùng nấm hương hoặc mộc nhĩ bằm nhuyễn để thêm độ ngọt. Nhiều chủ quán còn khéo léo nhồi giò sống vào tai nấm hương rồi thả vào nồi nước hầm xương. Vị ngọt từ nấm, giò sống giúp nước dùng thêm phần ngọt thanh, có mùi thơm đặc trưng. Khi khách gọi bún, chủ quán mới thả mọc vào để mọc vừa chín tới, không bị khô mà vẫn thơm ngon.
Bún tươi được trụng kỹ để không còn mùi chua. Sau đó, chan nước dùng nóng hổi, thêm chả quế và chút hành lá rồi phục vụ ngay đến tay thực khách. Vào những ngày trời rét, mưa ở Hà Nội, người ta còn cho thật nhiều tiêu xay vào tô bún để thực khách phải xuýt xoa món bún ngọt ngào mà ấm bụng ấy. Món ăn kèm với bún mọc không giới hạn ở phần mọc, nấm. Đó có thể là thịt gà xé, huyết, sườn non, măng, dọc mùng (bạc hà)... nhưng tô bún mọc vẫn không mất đi vị ngọt thanh từ nước hầm xương và mọc thịt. Nước dùng thì ngọt, ít gia vị, sợi bún mềm tan, viên mọc dai dai, thoang thoảng mùi nấm hương thơm lừng chắc chắn sẽ khiến thực khách khó lòng cưỡng lại. Dù là món ăn nóng nhưng sau khi ăn bún mọc, thực khách sẽ thấy nhẹ bụng và khỏe khoắn hơn nhờ ít gia vị, dầu mỡ.
Bún mọc xuất hiện khá phổ biến trên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến như GrabFood, Now, Baemin... với giá bán khoảng 25.000 - 60.000 đồng/phần. Một số quán bún mọc được nhiều người đặt là bún mọc Thanh Mai (quận 1), bún mọc cây Sake (quận 1), bún mọc Ròm Mập (quận 3), bún mọc Tuấn Uyên (quận Tân Phú), bún mọc Mây (quận 4), bún mọc Hùng Mập (quận 12)...
Để nấu bún mọc ngon, không quá khó. Nhưng cần chăm chút kỹ lưỡng cho nồi nước dùng và khéo léo chọn giò sống ngon, hoặc bỏ chút thời gian thực hiện tại nhà. Thử làm ngay bún mọc với công thức gợi ý từ Sài Gòn Tiếp Thị dưới đây:
Yến Nhi tổng hợp