(SGTT) – Cải chua là cách muối rau, củ đặc trưng trong ẩm thực vùng miền. Theo đó, đầu bếp ứng dụng phần cải chua đã muối để đem xào cùng sợi bún thanh ngọt.
- Trưa nay ăn gì: Một vòng Đông Nam Á cùng thịt xiên nướng Satay
- Trưa nay ăn gì: Ngon từ thịt, ngọt từ xương cùng hủ tiếu xương ống heo
- Trưa nay ăn gì: Thấm vị cơm trưa văn phòng kiểu ‘sườn cây’
Trước đây, Trưa nay ăn gì từng giới thiệu những món bún xào mang nhiều phong vị khác nhau, như bún xào rau cần, bún xào tôm rau củ, bún xào nghêu, bún xào mực, bún xào thịt bò hay món ăn đặc trưng cho xứ Nghệ là bún nghệ xào đuôi bò. Hôm nay, vẫn là sợi bún xào làm từ bột gạo nhưng kết hợp cùng vị chua của rau cải được muối đậm đà. Với hai nguyên liệu này, mọi người có thể tìm thấy nhiều phiên bản thịt ăn kèm đa dạng như thịt bò, thịt heo, thịt gà…
Về cải chua, người nấu thường chọn rau cải xanh rồi dùng phương pháp lên men để thu về cọng cải có vị chua đặc trưng. So với kim chi của Hàn Quốc, cải chua Việt Nam có vị nhẹ hơn, ít cay hơn và đặc biệt phù hợp khi ứng dụng xào nấu món Việt. Thông thường, cải chua đem kho thịt, kho cá, làm canh hầm đuôi heo, bò hay sườn non. Đặc biệt, cách xào cải chua với cơm hoặc bún giúp phần nước trong cải rút lại, mang lại độ giòn tổng thể cho món ăn.
Nguyên liệu tiếp đến là sợi bún xào chung với cải chua. Thông dụng nhất trong các quán ăn có phục vụ bún xào là họ sử dụng sợi bún gạo hay còn gọi là bún khô. Sở dĩ, bún tươi không thể đem ứng dụng cho các món xào bởi sợi bún tươi và có độ nhũn, khi xào dễ bị vỡ sợi bánh. Còn bún gạo là loại khô, họ chỉ việc đem ngâm cho nở rồi vắt khô, đem xào món ăn. Ưu điểm tiếp theo của bún gạo là vị gạo nhẹ, thoảng qua nên không lấn át hương vị các loại thực phẩm khác.
Với món bún xào cải chua, nhiều nơi bán nghiêng về ứng dụng nhiều loại rau, củ để xào hơn là chọn thịt để nấu. Có thể kể đến trong đó như nấm mèo, nấm đông cô, cà rốt, cải ngồng, cần tàu… cùng một số gia vị quen thuộc gian bếp như hành, gừng, tiêu, tỏi băm, ớt, dầu mè.
Để phục vụ kịp món ăn khi thực khách gọi món, nhất là vào thời điểm đông khách như cơm trưa văn phòng, quán ăn thường trụng sơ qua bún trước đó rồi thêm ít dầu mè (để riêng rổ). Rồi khi có người gọi món, họ sơ chế nhanh các nguyên liệu còn lại rồi xào với nhau chỉ trong vòng vài phút. Cuối cùng, pha thêm chén nước tương, vài lát ớt là món ăn đã sẵn sàng cho bữa trưa đầu tuần.
Gia Hân tổng hợp