(SGTT) – Trong nhiều phiên bản bún riêu, bún riêu giò heo được thực khách nhớ đến bởi vị béo của phần mỡ hòa quyện cùng thịt nạc dạng bắp gân giò. Cùng cách nấu bún riêu truyền thống, món ăn hứa hẹn mang đến cho mọi người sự thú vị trong ẩm thực trưa thứ Năm.
- Trưa nay ăn gì: Bữa cơm văn phòng có thịt ếch xào cà tím vị thanh ngọt
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa lành mạnh cùng salad đậu gà sốt bơ mè
- Trưa nay ăn gì: Trọn vẹn bữa trưa văn phòng với mực xào măng tây
Theo thông tin trên các trang web ẩm thực vùng miền, bún riêu là món ăn dân dã, có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Đặc trưng của bún riêu là sợi bún dạng mảnh, nước dùng màu đỏ, thức ăn kèm trọng điểm là phần riêu cua. Còn lại một số món ăn thêm như giò heo, chả lụa, chả cây, chả huế, chả cua… tùy thuộc mỗi quán.
Cũng tùy văn hóa ẩm thực vùng miền mà bún riêu giò heo có hương vị khác biệt. Cụ thể, bún riêu ở miền Nam thiên nhiều về vị ngọt; miền Bắc và Trung chú trọng ở khâu riêu cua phải đậm đà. Từ tên gọi món ăn, có thể suy ra thành phần nguyên liệu gồm sợi bún, riêu cua, giò heo.
Tuy điểm qua đơn giản nhưng thực tế phải có đến hàng chục loại gia vị, thực phẩm mới tạo nên tô bún riêu giò heo thành phẩm bắt mắt, thơm ngon. Bước đầu tiên là sơ chế nguyên liệu thực phẩm, sau đó phân loại để nấu nước dùng. Hầu như nước dùng bún riêu đều hầm từ xương ống heo, hớt bọt liên tục để có nước trong. Còn riêu cua thả vào để nước thêm vị đậm đà và đúng kiểu thuần túy món ăn.
Giò heo trong món ăn hôm nay cũng được phân chia thành nhiều loại, thế nên, đến quán ăn mọi người phải dặn nhân viên chọn đúng phần giò. Như giò nạc nhiều thịt, ít mỡ; giò gân giòn sần sật bởi phần gân nhiều. Trong khi đó, giò móng tuy ít thịt nhưng lại có vị thơm đặc trưng nhất.
Khi thực khách gọi món, người bán trụng bún cho vào tô, chan nước dùng, thêm các món ăn kèm và cuối cùng dọn lên cùng đĩa rau sống. Thực khách trong lúc chờ đợi pha nước chấm từ mắm ớt hay mắm tôm tùy khẩu vị.
Theo amthucvungmien, cachnaubunrieu, shopeefood