(SGTT) – Dù là triển lãm quốc tế, vậy nhưng, số lượng gian hàng cà phê Việt lại chiếm ưu thế hơn thương hiệu nước ngoài. Không chỉ ở số lượng, các thương hiệu cà phê, thiết bị máy móc trong nước còn nhận được sự quan tâm của khách ngoại quốc khi đến tham dự triển lãm.
- Ba triển lãm nghệ thuật tại Hà Nội trong tháng Sáu
- Trải nghiệm "dinh dưỡng" tại triển lãm của Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood
- Triển lãm ô tô Việt Nam sẽ quay trở lại vào tháng 10
Theo đó, triển lãm Quốc tế Cafe Show 2022 diễn ra trong ba ngày (từ 21 đến 23-7) tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm quốc tế Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM. Năm nay, triển lãm đón nhận sự tham gia của hơn 200 gian hàng trong và ngoài nước, thuộc các lĩnh vực như cà phê, nguyên vật liệu, bánh ngọt, máy móc ngành dịch vụ, nhà hàng, ẩm thực (F&B).
Có thể kể đến một số thương hiệu nội như cà phê Trung Nguyên (nổi tiếng với chuỗi cà phê cùng tên), Metrang Coffee (nhà sản xuất, cung ứng, kinh doanh cà phê lớn tại Khánh Hòa), Future Coffee Farm (doanh nghiệp có mô hình trang trại cà phê tương lai), Simexco DakLak (đơn vị xuất khẩu cà phê nhân lớn ở Đắk Lắk), Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc Tế Việt Nam (IWCA)… Về phía nước ngoài, một số thương hiệu xuất hiện tại triển lãm như Victoria Arduino và Nuova Simonelli (máy pha cà phê thương hiệu Ý), Café de Colombia (cà phê đến từ Colombia)…
Dù là triển lãm quốc tế, với các ứng cử viên là nhiều loại cà phê chất lượng đến từ các quốc gia như Peru, Colombia, Indonesia... nhưng cà phê Việt vẫn tạo được điểm nhấn. Hai loại cà phê “made in Vietnam” là Robusta, Arabica dưới dạng hạt cà phê, bột cà phê hòa tan, thành phẩm cà phê được trưng bày đa dạng.
Đặc biệt, tại mỗi gian hàng, khách tham quan sẽ được tư vấn trực tiếp về nguồn gốc, xuất xứ, cách pha, giới thiệu thương hiệu. Đáng chú ý, triển lãm còn có khu vực biểu diễn pha chế cà phê Việt và dùng thử miễn phí.
Qua ghi nhận, triển lãm ngoài người dân TPHCM và các tỉnh thành lân cận tham dự thì còn có sự xuất hiện của nhiều du khách nước ngoài như Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc. Họ chủ yếu tập trung ở khu vực pha chế để thưởng thức các loại cà phê mà hiếm có dịp thử cùng một lúc.
Ông Danny Hidajat, khách tham quan đến từ Indonesia, chia sẻ “Quốc gia tôi có cà phê nhưng so với Việt Nam thì hương vị khác biệt. Nếu có sự so sánh, tôi thấy cà phê Việt Nam nổi bật hơn. Phải chi cà phê Việt xuất khẩu sang nước tôi thì chắc chắn tôi sẽ mua ngay”.
Thông tin về cà phê Robusta, chị Lê Thị Hằng, đại diện Liên minh Cà phê Phụ nữ Quốc tế Việt Nam (IWCA), cho hay cà phê Robusta thường được sản xuất ở Đắk Lắk; trong khi Arabica đến từ Sơn La, Quảng Trị, Lâm Đồng. Mỗi vùng nguyên liệu có một đặc trưng và một câu chuyện riêng về cà phê. “Cà phê Việt có ưu thế cạnh tranh về giá bán trên thị trường thế giới, nên như ở gian hàng của chúng tôi, ngày đầu tiên triển lãm đã thu hút lượng du khách quốc tế đến thử, mua sắm và liên hệ hợp tác”, chị Hằng cho biết thêm.
Theo ban tổ chức, triển lãm lần này được khởi động trở lại sau hai năm tạm gián đoạn vì dịch Covid-19. Ở kỳ tổ chức gần nhất (2019), ban tổ chức ghi nhận hơn 29.000 lượt khách ghé tham dự. Chính vì vậy, năm nay, ban tổ chức kỳ vọng lượt khách ghé tham quan đông hơn do Việt Nam đã mở cửa, cuộc sống của mọi người cũng đã trở về nhịp sống bình thường.
Tuyết Nhi