Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Tránh mùa đông, đi tour du lịch… trong nhà ở Huế

(SGTT) - Các tour du lịch tại các không gian văn hóa cung đình triều Nguyễn hay những khu nhà vườn truyền thống của Huế xưa sẽ là những nét mới cho các tour du lịch trải nghiệm văn hóa tại Huế vào mùa đông năm nay.

Vào mùa đông ở Huế, thời tiết lạnh kèm mưa kéo dài lâu nay vẫn luôn gây nhiều khó khăn cho ngành du lịch Cố đô. Để tìm giải pháp mới, các đơn vị lữ hành chuyển hướng khai thác các sản phẩm, dịch vụ trong nhà nhưng vẫn mang đến những trải nghiệm mới và rất Huế cho du khách.

Không gian văn hóa Lục Bộ

Thưởng trà tại các trà thất là dịch vụ trong nhà thu hút khách. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Nằm trên đường Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế, là khu nhà thuộc không gian văn hóa Lục Bộ (6 Bộ cai quản việc nước) của triều Nguyễn xưa, nay thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

Theo website của đơn vị khai thác sản phẩm văn hóa cung đình triều Nguyễn, không gian này trưng bày, giới thiệu tư liệu về Lục Bộ triều Nguyễn và thường diễn ra các hoạt động văn hóa như: Trưng bày và giới thiệu các sản phẩm truyền thống Huế như mây tre đan, hàng lưu niệm cung đình, diều Huế, hoa giấy Thanh Tiên, nón bài thơ, thư pháp, lò nấu rượu Làng Chuồn, tranh gương xứ Huế và các sản phẩm thủ công; trưng bày và bán các sản phẩm ngự trà – ngự tửu cung đình triều Nguyễn với các sản phẩm đặc sắc như Tịnh Tâm Liên Hoa Ngự Trà, Hoàng Triều Ngự Tửu…; trải nghiệm nghề truyền thống Huế như nghề làm hoa giấy Thanh Tiên...; trưng bày và bán các loại mứt, bánh đặc sản Huế.

Vườn Trúc Chỉ

Tranh được làm từ giấy trúc chỉ trong không gian Vườn Trúc Chỉ. Ảnh: Trúc Chỉ Garden

Theo facebook của Trúc Chỉ Garden, trúc chỉ là danh từ để định danh một loại hình giấy nghệ thuật mới của Việt Nam do họa sĩ Phan Hải Bằng - Giảng viên môn Đồ họa của trường Đại học Nghệ thuật Huế - cùng các cộng sự sáng tạo nên từ các nguyên liệu của quê hương như rơm, tre, mía, chuối, dâu, dướng, dó , dứa, lá, cỏ…

Vườn Trúc Chỉ, nằm trên đường Thạch Hãn, thành phố Huế, do họa sĩ Phan Hải Bằng sáng lập vừa là nơi làm việc của 15 nghệ nhân, họa sĩ, nhà thiết kế, đồ họa có tiếng tại Huế vừa trưng bày hàng trăm sản phẩm với nhiều kiểu dáng, mẫu mã độc đáo, đẹp mắt từ giấy trúc chỉ.

Du khách tham quan tại Vườn Trúc Chỉ sẽ được thưởng lãm những bức tranh trúc chỉ khổ lớn được sắp đặt với nội thất cung đình và hệ thống đèn chiếu sáng làm tôn nên sự sang trọng, cổ kính của các tuyệt tác này.

Nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều

Ông Hồ Xuân Đài giới thiệu khuôn viên nhà vườn cho du khách. Ảnh: UBND thành phố Huế

Được công nhận là địa điểm du lịch từ năm 2018, nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều thuộc phường Thủy Biều, thành phố Huế ngày nay là sự hợp nhất của hai làng cổ thời xưa là Nguyệt Biều và Lương Quán.

Theo cổng thộng tin của tỉnh Thừa Thiên Huế, khu nhà vườn là hệ thống nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng gồm nhà vườn ông Hồ Xuân Đài, nhà vườn ông Đặng Văn Thành, nhà vườn ông Hồ Xuân Doanh, nhà vườn ông Tôn Thất Phương, Hue Ecologde, Hue Riverside Boutique Resort - Spa...

Các địa điểm này đều phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng với nhiều sản phẩm du lịch như homestay, dịch vụ ngâm chân, thưởng thức ẩm thực từ đặc sản địa phương. Tại Hue Ecolodge, có khu vực trưng bày và giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ và các đặc sản của địa phương như hương trầm, bánh in, mộc mỹ nghệ, đúc đồng… Tại Thuy Bieu Homestay có mứt, rượu được làm từ đặc sản trái thanh trà, sản vật tiến vua thời xưa.

Ngoài ra, khu vực Lương Quán – Nguyệt Biều có nhiều di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của triều Nguyễn như Hồ Quyền, Điện Voi Ré, thắng cảnh Đồi vọng cảnh , Độn Bàu hộ và các phủ đệ, các thiết chế văn hóa làng xã như đình làng Lương Quán, đình làng Nguyệt Biều, nhà thờ họ...

Nhà vườn An Hiên

Nhà vườn An Hiên. Ảnh: Traveloka

Tọa lạc tại đường Nguyễn Phúc Nguyên ở vùng đất Kim Long lịch sử bên bờ Bắc sông Hương, khuôn viên nhà vườn An Hiên có hình gần như vuông với diện tích 4.608 m2.

Theo cổng thông tin của tỉnh Thừa Thiên Huế, ở giữa khu vườn là ngôi nhà rường ba gian hai chái với thiết kế, kết cấu, chạm trổ và trang trí nội thất theo quy chuẩn. Chức năng chủ yếu của ngôi nhà cổ này là dùng để thờ phụng và tiếp khách. Ở gian chính giữa bày trí các bàn thờ theo nguyên tắc "tiền phật hậu linh". Lối đi từ cổng vào nhà dài đến 34m được viền bằng 2 dãy cây bạch mai ở hai bên, đan ngọn vào nhau tạo ra một chiều sâu hun hút.

Trong ngôi nhà rường, các chủ nhân quá cố đã trang hoàng những bàn ghế cổ, tủ chè xưa và treo nhiều hoành phi câu đối mang những nội dung văn học nghệ thuật và đạo lý thật sâu sắc. Trước sân nhà là bể cạn rất lớn và tấm bình phong xây bằng gạch khá rộng biểu thị cho những yếu tố của thuật phong thủy trong kiến trúc. Khắp trong vườn, các thế hệ chủ nhân đã cho trồng hàng chục loại cây lưu niên cao cấp lấy giống từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam và hàng trăm loài hoa quý, thay nhau đơm hoa kết trái cả bốn mùa.

Quỳnh Châu tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sẽ công bố ‘Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng...

0
(SGTT) -  Sau 4 tháng triển khai, lễ công bố và vinh danh “Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế 2024” sẽ...

Nhiều hoạt động tại Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức...

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông mang tên “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12) của...

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp gắn với du lịch Huế

0
(SGTT) - Trong số 13 ý tưởng dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất được tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh trong buổi lễ...

Quỹ bảo tồn di sản văn hóa nhìn từ cố đô...

0
(SGTT) - Di sản văn hóa là minh chứng hùng hồn cho bản sắc độc đáo của mỗi dân tộc, góp phần định hình...

Dấu xưa – Hồn phố: Tìm về Hưng Miếu, nơi thờ...

0
(SGTT) - Hưng Miếu, hay còn gọi là Hưng Tổ Miếu, là một trong những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng...

Đóng cổng bình chọn ‘Top 9 sản phẩm du lịch ấn...

0
(SGTT) – Từ 12:00 giờ ngày 31-10, chương trình “Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế” năm 2024 chính thức đóng cổng...

Kết nối