(SGTT) - Tại buổi họp báo để thông tin về tình hình dịch Covid-19 diễn ra vào chiều tối ngày 25-10, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM thông tin việc mở lại hàng quán ăn, uống phục vụ tại chỗ vẫn đang được UBND thành phố và các sở ngành xem xét, đánh giá nên thành phố vẫn chưa cho phép mở lại để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
- Hàng quán tại TPHCM muốn bán tại chỗ phải đáp ứng 6 tiêu chí phòng, chống dịch
- Ngày 25-10, thêm 3.639 ca mắc mới tại 53 tỉnh, thành
- Cấp độ dịch của 22 khu vực nội thành tại TPHCM
Theo ông Tú, việc mở lại quán ăn, uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình trao đổi và còn cần làm rõ lại nhiều vấn đề. “Sau khi thống nhất, Sở Công Thương TPHCM sẽ thông báo cụ thể những thông tin liên quan”, báo Tin tức dẫn lời ông Tú nói.
Trước đó, theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM cũng đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó các cơ sở kinh doanh phục vụ tại chỗ phải đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí mới được phép hoạt động.
Theo đó, cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cơ sở phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm về trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu, các chứng từ liên quan; người lao động, người đến cơ sở (người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ cơ sở…) phải thực hiện theo quy định phòng, chống dịch; cơ sở phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế đối với người lao động và người ra vào cơ sở; cơ sở phải bố trí khu vực giao, nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt với khu vực khác, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu là 2m; cơ sở có kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch Covid-19, khu vực ăn uống phải đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2/người, khoảng cách giữa 2 người tối thiểu là 2m hoặc bố trí vách ngăn.
TPHCM xây dựng 4 kịch bản chống dịch trong tình hình mới
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, trong buổi họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM chiều ngày 25-10, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết ngành y tế đã xây dựng 4 phương án phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh TPHCM được kiểm soát tốt tương ứng với mức độ 1, các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại nhà do các trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý.
Đối với các trường hợp nặng, thành phố sẽ sử dụng Bệnh viện dã chiến thu dung 3 tầng số 16 và các khoa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Từ Dũ để điều trị các bệnh nhân.
Trường hợp dịch được kiểm soát nhưng số ca mắc mới tương ứng với cấp độ 2, những trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị cách ly tại nhà. Đối với trường hợp nặng thì điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 13 và số 16 cùng các bệnh viện dã chiến cấp quận huyện, các khoa điều trị Covid-19 của các bệnh viện quận, huyện cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, hai bệnh viện chuyên khoa nhi, hai bệnh viện sản khoa Từ Dũ và Hùng Vương.
Kịch bản 3, khi dịch cơ bản được kiểm soát nhưng số ca mắc mới ở cấp độ 3. Đây chính là biện pháp chống dịch đang được thành phố áp dụng. Các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, do các trạm y tế lưu động chăm sóc, quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động sẽ quản lý 50-100 F0, toàn thành phố đang có 135 trạm y tế lưu động.
F0 cần nhập viện thì thành phố sẽ huy động 3 bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, 14 và 16. Ngoài ra, còn có các bệnh viện dã chiến của các quận, huyện cùng ba bệnh viện hồi sức tại Chợ Rẫy, Quân y 175 và Bệnh Nhiệt đới và cả ba bệnh viện chuyên khoa là Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và hai bệnh viện sản khoa Từ Dũ và Hùng Vương cùng vào cuộc.
Kịch bản 4, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM bùng phát trở lại, số ca tăng lên tương ứng với mức độ 4, các trường hợp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị cách ly tại nhà. Ngoài các trạm y tế lưu động, căn cứ vào số lượng F0, các phường, xã, thị trấn sẽ thành lập thêm các tổ chăm sóc Covid cộng đồng.
Trường hợp F0 phải nhập viện điều trị thì thành phố sẽ huy động toàn bộ các bệnh viện, trung tâm hồi sức trên địa bàn. Theo đó, mỗi quận, huyện phải có một bệnh viện dã chiến quy mô 300-500 giường.
F0 nặng, nguy kịch thì chăm sóc ở 3 bệnh viện dã chiến hoặc các khoa, đơn vị Covid-19 tại tất cả các bệnh viện trong thành phố. Tình huống này thành phố đã chuẩn bị 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19, trong đó khoảng 6.500 giường có oxy và 2.000 giường ICU (hồi sức tích cực).
Bình Định muốn đón khách quốc tế từ tháng 11
Theo đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế mà Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, trình Thủ tướng và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch ngày 25-10, địa phương này muốn đón du khách quốc tế từ đầu tháng 11 với thị trường chính từ Đông Bắc Á, Nga, Mỹ và một số quốc gia châu Âu có thỏa thuận song phương với Việt Nam.
Theo đó, khách quốc tế đến Bình Định theo chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành quốc tế tổ chức, đã nhập cảnh và du lịch ở các địa phương khác trong nước.
Báo điện tử Vnexpress thông tin thêm, các địa điểm dự kiến mở cửa du lịch để đón khách quốc tế là trung tâm thành phố Quy Nhơn, bán đảo Phương Mai (gồm các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội), xã đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) và thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát).
Nguyễn Nam tổng hợp