Xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch biển của du khách Việt trong tháng 7-2020 tăng gấp 5 lần so với tháng 3-2020. Thế nhưng, TPHCM lại là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất qua Google trong giai đoạn nhu cầu du lịch đang dần phục hồi này.
- Quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh CNN bằng clip “Why not Vietnam?”
- Kỳ vọng du lịch giúp kinh tế hồi phục trong quý cuối năm
- Thủ tướng chỉ đạo chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế
Số liệu vừa được Google công bố chiều nay, 22-10 cho thấy, tìm kiếm về TPHCM đạt 100 điểm, cao hơn Đà Lạt (đạt 80 điểm) hay Phú Quốc (71 điểm). Các điểm du lịch biển như Phú Quốc, Vũng Tàu hay Nha Trang, dù nhu cầu tìm kiếm trong tháng 7-2020, tăng gấp 5 lần so với tháng 3 nhưng vẫn xếp sau TPHCM và Đà Lạt.
Nhu cầu du lịch nội địa được đánh giá bắt đầu dần hồi phục sau khi vượt qua các mối lo ngại ban đầu về Covid-19. Trong đó, du khách Việt Nam đang có xu hướng chọn du lịch về với thiên nhiên và các vùng biển, chuyển hướng từ các tour du lịch trọn gói sang các hoạt động khám phá. Nhu cầu du lịch "phượt" tự túc phục hồi nhanh hơn các tour du lịch trọn gói tại Việt Nam, tăng gấp 2 lần so với trước Covid-19.
Ngoài ra, địa điểm du lịch miền núi như Đỉnh Fansipan đang trở thành thắng cảnh địa phương hàng đầu, bên cạnh Bà Nà Hills, Địa đạo Củ Chi của TPHCM, Vịnh Hạ Long vẫn là các điểm thu hút du lịch với du khách Việt hậu Covid-19. Kết quả này là một trong những thông tin cập nhật mới nhất về xu hướng du lịch ở Châu Á - Thái Bình Dương vừa được Google công bố mới đây.
Theo bản cập nhật này, nhu cầu du lịch của người dân tăng trở lại sau thời gian dài bị dồn nén do các quy định hạn chế. Cứ một trong hai người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được hỏi cho biết họ đang muốn hoặc rất muốn đi du lịch. Chỉ trong ba tháng, nhu cầu tìm kiếm về du lịch đã phục hồi khoảng 50% so với mức trước Covid-19.
Những dấu hiệu tích cực này cho thấy mọi người đang rất quan tâm về những chuyến du lịch trong tương lai và đang tìm kiếm thông tin về cách thức, cũng như thời điểm họ có thể khởi hành tuy vẫn lưu tâm về tình trạng sức khỏe. Điều đó có nghĩa khi các quốc gia bắt đầu mở cửa, mọi người sẽ háo hức dịch chuyển và các doanh nghiệp du lịch nên sẵn sàng đáp ứng những khách hàng tiềm năng này bằng những thông tin hữu ích cho kế hoạch du lịch của họ.
Cũng theo bản cập nhật này, nếu với khách Trung Quốc, sau giai đoạn Covid-19, 40% khách hàng thích ở khách sạn, 9% người lựa chọn thuê nhà lưu trú thì khách đến từ New Zealand lại thích ở các phòng đặt qua ứng dụng Airbnb. Lượt đặt phòng nội địa trên Airbnb ở đây phục hồi nhanh hơn mức trước Covid-19 so với khách sạn.
Tại Việt Nam, yếu tố hàng đầu đối với du khách Việt khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch là uy tín thương hiệu. Điều này đồng nghĩa rằng các công ty du lịch sẽ cần phải sâu sát hơn so với việc chỉ xem xét những mối bận tâm chung của người tiêu dùng, nhằm nắm bắt những yếu tố mà khách hàng quan tâm khi đặt phòng và điều chỉnh cách tiếp cận với họ.
Tâm An
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn