Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thưởng thức bánh tro trong dịp Tết Đoan Ngọ

(SGTT) - Từ giữa tháng Tư (âm lịch), nhiều nơi đã chộn rộn với các đơn hàng làm bánh tro cho dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch, năm nay rơi vào ngày 22-6). Không biết từ khi nào, bánh tro đã gắn liền với một ngày tết đặc biệt này.

Cái tên “bánh tro”, hay còn gọi là bánh gio, bánh ú tro xuất phát từ nguyên liệu chính là gạo nếp ngâm với nước tro (nước nẳng). Để tạo nên mùi vị đặc trưng của bánh, người ta chỉ lấy tro của một số loại thảo mộc, dược liệu chứ không phải tro nào cũng dùng. Chẳng hạn ở Hà Nội, người dân thường dùng tro của vỏ bưởi khô, hạt dền gai, rơm nếp, cỏ quả thầu dầu. Người Vĩnh Phúc lại chuộng tro của cây xoan, bưởi, lá si, tầm gửi. Bánh tro Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên hay dùng tro từ cây mè, cây thạp nhạp, thân tầm gửi.

Tro sau khi đốt phải để nguội, rây mịn rồi hòa với nước vôi, sau đó gạn lấy phần nước trong để ngâm nếp. Nước này phải trong và có màu vàng đặc trưng của bánh tro. Nhà làm ít bánh thì nhanh, nhà nào làm số lượng lớn thì công đoạn chuẩn bị tro cũng mất cả tuần.

Để bánh làm ra được ngon, dẻo, không bị chai sượng, người ta thường chọn nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung. Nếp đãi sạch rồi ngâm nước tro, thường là qua đêm thì nếp mới đủ ngấm. Sau đó, vớt ra xả nước thật sạch, để ráo và đem đi gói bánh.

Nếp sau khi ngâm đã lẫn màu vàng nhạt rất nhẹ của tro. Ảnh: Việt An

Bánh tro được gói bằng lá tre, lá dong, lá chuối, lá dừa, lá cau hoặc lá chít. Người ta thường phơi hoặc chần qua nước sôi để lá hơi héo nhằm cho lá dẻo, dai, không bị màu xanh của lá loang vào bánh.

Khi gói, lá được xếp lại như cái phễu, cho nếp vào, gấp lá thật kín thành hình bánh ú rồi dùng lạt buộc lại. Các dây lạt treo sẵn trên thanh ngang, xong bánh nào thì buộc trực tiếp bánh nấy mà không cần rút dây. Vì vậy, chỉ một lát sau, dưới bàn tay thoăn thoắt của người thợ lành nghề, cả chùm bánh ú be bé xinh xinh đã lủng lẳng dưới giàn. Một số nơi còn gói bánh tro theo dạng hình ống như bánh tét nhưng nhỏ hơn, hoặc hình vuông, hình trụ…

Những cái bánh ú tro hình chóp đã gói xong và chờ nấu. Ảnh: Việt An

Cũng như bánh chưng, bánh tro được luộc trong nồi ngập nước trong khoảng 4-5 giờ. Bánh chín được vớt ra, treo lên cao cho thoáng gió, ráo nước.

Bánh tro đã chín. Ảnh: Việt An
Bánh tro Bình Định còn có dạng dài. Ảnh: Việt An

Gỡ bỏ nhẹ lớp vỏ, một khối bánh vàng sậm óng ánh, trong trẻo như màu của cánh đồng lúa chín vàng trong chiều tà hiện ra. Ấy là màu tự nhiên của nước tro ngấm vào nếp chứ không có thêm phẩm màu nào. Bánh tro thường ăn kèm với đường kính, mật ong, hoặc mật mía cùng chút gừng băm nhỏ. Nó lại có tác dụng thanh nhiệt, chống ngán nên rất dễ ăn. Lấy miếng bánh mềm mại chấm vào ít đường ngọt ngào, thực khách thấy lan tỏa một vị thanh thanh, hấp dẫn của sự giản dị trong những nguyên liệu chốn đồng quê.

Bánh ú tro có dạng hình chóp. Ảnh: Việt An

Thêm một ngày 5-5 nữa lại về, bánh tro lại rộn ràng khắp chợ, tô điểm thêm nét đậm đà hương vị Tết Đoan Ngọ.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lo sức mua thấp, nhà vườn giảm số lượng hoa trồng...

0
(SGTT) - Trước thềm Tết Ất Tỵ 2025, các nhà vườn tại TPHCM và các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Bến...

Giỏ quà Tết 2025: sản phẩm bình dân, tốt cho sức...

0
(SGTT) - Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh đã bắt đầu tung ra thị trường những set quà, hộp quà Tết với...

Người người ‘mở khoá’ năm mới tại các điểm vui chơi...

0
(SGTT) - Các điểm vui chơi như Thảo Cầm Viên, Dinh Độc Lập, Suối Tiên hay những khu vực trung tâm TPHCM như phố...

Gác lại tất bật, cùng ngồi chuyện trò về mùa Xuân...

0
(SGTT) - Ẩm thực không chỉ nói về "văn hóa vật chất" mà còn nói về cả mặt "văn hóa tinh thần". Chính những...

Sắc Xuân tràn ngập các quán cà phê ở Đà Nẵng

0
(SGTT) – Những ngày giáp Tết, các quán cà phê tại Đà Nẵng đồng loạt thay màu áo mới ngập tràn không khí Tết...

Đa sắc thái chuyện thưởng Tết 2024 ở châu Á

0
(SGTT) - Thưởng Tết 2024 ở châu Á được dự báo sẽ tiếp tục theo cách “thắt lưng buộc bụng” để thích ứng với...

Kết nối